Trải qua các vòng xét nghiệm các hộ dân thuộc vùng đỏ và vùng cam trên địa bàn TP.HCM từ 23/8 đến nay, tỷ lệ tìm thấy ca dương tính trên tổng số mẫu được lấy giảm mạnh so với giai đoạn đầu, từ 3,6% xuống còn 0,52%.
Số F0 giảm dần qua các đợt lấy mẫu
Từ ngày 23/8 đến nay, thành phố triển khai công tác xét nghiệm tầm soát trên địa bàn. Với người dân sống tại khu vực có mức nguy cơ cao và rất cao (vùng đỏ và vùng cam), tổng số mẫu được lấy là 5,3 triệu. Tỷ lệ dương tính giảm dần qua các đợt xét nghiệm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 24/9, trong 2 ngày 21 và 22/9, tổng số mẫu xét nghiệm được lấy 1.624.926.
Số người dương tính được phát hiện 8.502, tỷ lệ dương tính là 0,52%. Thành phố đang trong đợt xét nghiệm lần 5, đạt 49% theo kế hoạch.
Còn tại khu vực có mức bình thường mới và mức nguy cơ (vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng), tỷ lệ dương tính qua các đợt được thống kê như sau:
+ Đợt 1: Tổng số tại vùng xanh là 1.084.438 hộ, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,9%, vùng vàng là 1,8%.
+ Đợt 2: Lấy mẫu người đại diện (khác người đã lấy lần 1) và 2 đại diện với hộ có 5 người trở lên), tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh còn 0,9%, vùng vàng là 1,5%.
+ Đợt 3: Tổng số mẫu vùng xanh được lấy là 986.495 hộ và 342.319 hộ vùng vàng. Tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,7%, vùng vàng là 0,9%.
Hiện, một số quận, huyện tiếp tục triển khai xét nghiệm đợt 4 và đợt 5 đối với hộ dân sống tại vùng xanh, cận xanh và vùng vàng.
Trong báo cáo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đánh giá kết quả tỷ lệ phát hiện dương tính qua các đợt xét nghiệm có xu hướng giảm dần ở tất cả khu vực nguy cơ. Điều này cho thấy việc tổ chức xét nghiệm tầm soát đạt được mục tiêu phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Đa số người dân TP.HCM có thể tự test nhanh
Trong đợt xét nghiệm diện rộng này, TP.HCM đã huy động 1.533 đội lấy mẫu với khoảng trên 13.800 người, gồm 383 đội cơ hữu tại địa phương, 407 đội thuộc lực lượng Đoàn viên, thanh niên tình nguyện, 743 đội lực lượng tình nguyện từ các đơn vị, địa phương do Tổ điều phối nguồn nhân lực TP phân bổ.
Trung bình mỗi đội thực hiện được 300-400 mẫu/ngày. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai cho người dân tự làm xét nghiệm với sự hướng dẫn, giám sát của nhân viên tế, khởi đầu trung bình có khoảng 22,5% hộ dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay, đa số người dân có thể tự lấy mẫu test nhanh.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, việc khuyến khích và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu đã mang lại hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc tăng tốc độ xét nghiệm.
Hiện tại, TP.HCM có 36 phòng xét nghiệm khẳng định Covid-19 (gồm 11 đơn vị trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và 22 đơn vị công lập thành phố, 3 đơn vị y tế tư nhân). Tổng công suất thực hiện là 30.050 ống mẫu/ngày.
Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động thêm 3 phòng xét nghiệm sàng lọc với tổng công suất là 16.200 ống mẫu/ngày. Mô hình xe xét nghiệm rRT-PCR lưu động do Bộ Y tế hỗ trợ gồm 9 chiếc, được phân bổ cho các địa phương có dân số đông hoặc địa bàn rộng, xa trung tâm. Công suất mỗi xe ban đầu là 500 ống mẫu/ngày, tăng dần lên 1.000 – 2.000 ống mẫu/ngày.
Theo công văn số 3113 về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ 20/9 đến ngày 30/9 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, công tác xét nghiệm được thực hiện như sau:
– Tại các vùng đỏ, vùng cam: Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân trên địa bàn, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong vòng 14 ngày gần đây và F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh.
Cách thức triển khai: Lặp lại sau mỗi 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày.
– Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh: Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc với nhiều người khác, không chọn người đại diện đã từng là F0.
Cách thức triển khai: Lặp lại sau 4 ngày, làm liên tục 2 lần.
Trong đợt xét nghiệm này, người dân được hướng dẫn tự lấy mẫu. Cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, thực hiện giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê và báo cáo.