Sau hơn 20 năm Vladimir Putin nắm quyền, cuộc tấn công ở Ukraine là quyết định mạnh bạo nhất của ông nhằm tìm lại vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Và dù Điện Kremlin tự tin đã chuẩn bị cho mọi kịch bản, cuộc chiến mà Moscow phát động đã đẩy Nga vào một canh bạc lớn, theo Wall Street Journal.
Rủi ro lớn
Với quyết định tấn công Ukraine, ông Putin đã đưa quan hệ giữa Nga và phương Tây vào một giai đoạn chia rẽ mới chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây tuyên bố sẽ trừng phạt khiến nền kinh tế Nga ngấm đòn đau.
NATO dù không trực tiếp can thiệp vào Ukraine nhưng đã triển khai thêm vũ khí và binh sĩ tới các nước thành viên phía Đông. Động thái của ông Putin đã khiến các thành viên của khối một lần nữa đoàn kết lại.
“Ông ấy đang liều lĩnh đánh cược sự phát triển của nền kinh tế Nga, vai trò quốc tế của Nga cũng như ổn định nội bộ của Nga để giữ lấy quyền kiểm soát Ukraine”, Kadri Liik, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách European Council on Foreign Relations, nhận định.
Cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài hơn so với toan tính của ông Putin.
Pavel Salin, nhà nghiên cứu chính trị độc lập ở Moscow, nhận định lún sâu ở Ukraine không phải thứ đa phần người Nga mong muốn.
Cuộc chiến mở màn sáng sớm 24/2, trong vòng chưa đầy 24 giờ, nền kinh tế Nga đã bắt đầu nếm những trái đắng đầu tiên. Người dân ồ ạt rút tiền gửi, trong khi thị trường chứng khoán Nga lao dốc 45%.
Quyết định tấn công Ukraine có lẽ đã nằm trong toan tính của Tổng thống Putin từ nhiều năm qua. Nguyên nhân sâu xa không đơn giản là Ukraine muốn gia nhập NATO, nó xuất phát từ tham vọng viết lại trật tự an ninh châu Âu.
“Hành động của Putin cho thấy ông chấp nhận rủi ro. Putin dường như tin rằng chiến dịch quân sự chớp nhoáng sẽ buộc phương Tây chấp nhận thực tế mới. Còn phương Tây phản ứng như thế nào với thực tế mới, thời gian sẽ trả lời”, ông Salin nhận xét.
Chiến dịch quân sự ở Ukraine là sự kéo dài chính sách mở rộng ảnh hưởng của Nga tại các nước thuộc không gian Liên Xô cũ như Belarus, Gruzia hay Moldova.
Đổi lại, Điện Kremlin hy sinh quan hệ với phương Tây, và làm suy giảm hình ảnh của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế. Điều này khiến Moscow càng thêm lệ thuộc vào Trung Quốc, nước láng giềng ngày càng hùng mạnh và có quan hệ ngày một bất bình đẳng với Moscow.
“Nga sẽ từ bỏ quan hệ cũ với phương Tây và chuyển sang đối đầu công khai. Cuộc chiến sẽ khiến Moscow rơi sâu hơn vào quỹ đạo chính trị, kinh tế của Trung Quốc”, bà Liik nhận xét.
Những hậu quả đầu tiên
Ngay trong ngày 24/2, Mỹ và châu Âu đã lên sẵn những biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn, tiếp sau hàng loạt đòn trừng phạt từ đầu tuần khi ông Putin công nhận hai lãnh thổ ly khai ở Donbas.
Trong cuộc họp với lãnh đạo giới doanh nghiệp Nga hôm 24/2, Tổng thống Putin nói cuộc tấn công Ukraine là “biện pháp cần thiết” bởi Nga “không có lựa chọn khác”.
“Nga sẽ tiếp tục là một phần của nền kinh tế thế giới. Các đối tác nên hiểu điều này và đừng tìm cách đẩy Nga ra khỏi hệ thống kinh tế”, ông Putin nói.
Điện Kremlin đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm cách bảo vệ nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt. Sau khi phương Tây trả đũa Nga vì sáp nhập trái phép Crimea năm 2014, Nga bắt đầu tích lũy dự trữ ngoại hối. Ngân hàng trung ương Nga hiện có 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng, tăng từ mức 368 tỷ USD của năm 2015.
Dù vậy, thông tin về cuộc tấn công đã làm nền kinh tế Nga chao đảo ngay lập tức. Chỉ vài giờ sau chiến dịch, đồng Ruble của Nga lao dốc kỷ lục, khiến Ngân hàng trung ương Nga phải can thiệp để trợ giá.
Ngay từ sáng sớm, người Nga xếp hàng dài tại các cây ATM để rút tiền mặt, lo sợ chính phủ sẽ siết chặt hoạt động rút, đổi tiền.
Chính phủ Nga siết chặt kiểm soát xã hội, đồng nghĩa sự phản đối của người dân trong nước trước quyết định tấn công Ukraine ít có khả năng trở thành mối bận tâm lớn với ông Putin.
Khi Nga sáp nhập Crimea, tỷ lệ ủng hộ của người Nga dành cho Putin dâng cao. Ngay cả khi nền kinh tế lao dốc những năm gần đây, các chỉ số thăm dò cho thấy Putin vẫn có tỷ lệ ủng hộ lên tới 69%.
Vẫn có những người phản đối cuộc tấn công. Trong ngày 24/2, xuất hiện những đám đông người Nga biểu tình phản đối chiến tranh ở nhiều thành phố.
Trên quảng trường Puskin ở thủ đô Moscow, hàng trăm người tập trung biểu tình với thông điệp “Nói không với chiến tranh”. Hình ảnh tương tự được ghi nhận tại St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai cả nước.
Nhưng nhìn chung, không gian cho sự phản đối đã bị thu hẹp.
“Tầng lớp tài phiệt đang nắm quyền kiểm soát, những người phản đối chiến dịch quân sự không có công cụ để tập hợp lực lượng, trong khi những người khác bị hệ thống tuyên truyền chi phối”, ông Salin nhận xét.
Truyền thông nhà nước Nga hoạt động hết công suất để bảo vệ quyết định tấn công Ukraine của Điện Kremlin, nói rằng Moscow đã bị buộc phải lựa chọn quyết định sử dụng vũ lực với nước láng giềng.
Hôm 24/2, Cơ quan quản lý truyền thông Nga đe dọa sẽ xử phạt nặng, thậm chí đóng cửa các hãng truyền thông xuất bản thông tin về cuộc chiến ở Ukraine mà không dẫn các nguồn chính thức của chính phủ Nga.