Gần một năm học trôi qua, trẻ mầm non ở Hà Nội cũng như học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận vẫn chưa được đến trường. Trong khi đó, học sinh tiểu học và lớp 6 ở 18 huyện, thị xã từng đến lớp song cũng chuyển lại học trực tuyến do dịch Covid-19.
Việc trường học tiếp tục đóng cửa trong khi phần lớn hoạt động khác đã bình thường trở lại khiến không ít phụ huynh cảm thấy khó hiểu.
Từ góc độ chuyên môn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng Hà Nội nên cho trẻ mầm non, tiểu học đi học tập trung.
Trẻ ở nhà vẫn mắc Covid-19
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết do thiếu số liệu về tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi này mắc Covid-19 ở Hà Nội, ông khó xác định thời điểm nào là thích hợp để trẻ đến lớp.
Ông dẫn chứng nếu tỷ lệ đang là 100 lớp, có một lớp có F0, việc mở cửa trường học có thể thực hiện được. Nhưng nếu 100 lớp, 10 lớp có F0, lại chuyển sang học trực tuyến, khử khuẩn, cách ly, việc này sẽ khiến mọi thứ trở nên nặng nề, thà cứ để trẻ học trực tuyến tại nhà.
Theo ông, việc duy trì cho trẻ học online còn nằm ở tâm lý phụ huynh. Thực tế, Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em song gia đình, xã hội vẫn lo ngại. Hơn nữa, trẻ em ở nhà cũng nhiễm nCoV chứ không chỉ mắc bệnh ở trường.
“Nếu là phụ huynh, tôi cho con đi học bình thường. Nhưng tôi không thể nói thay nỗi quan tâm của các bậc cha mẹ. Nhiều người rất mong con đến trường vì ở nhà chăm cực quá, không có thời gian, con học hành không tốt, người lớn bận làm việc, không có ai trông trẻ. Không ít người lại ngược lại. Nhiều người có ý kiến khác nhau”, PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Do đó, ông cho rằng nếu tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp, có thể phụ huynh hiểu, cho con đi học. Theo ông, nghiên cứu đã chỉ rất rõ lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.
Trong khi đó, trẻ ở nhà lâu ngày có nguy cơ mất an toàn (tai nạn) hay vẫn lây nhiễm từ cha mẹ. Ông Dũng cho biết người lớn khi mắc Covid-19 dễ phát tán virus hơn. Bên cạnh đó, trẻ cùng sinh hoạt với phụ huynh trong không gian chung, không đeo khẩu trang.
Ông dẫn một nghiên cứu đối với 17 trẻ mắc Covid-19, kết quả theo dõi, 17 trẻ này không lây cho những bạn học thuộc diện F1 mà lây cho người trong gia đình.
“Đương nhiên, nếu xét về y tế, trẻ ở nhà an toàn hơn một chút, ngoại trừ nguy cơ trầm cảm, trẻ quậy phá”, PGS Đỗ Văn Dũng nói thêm.
Dù vậy, tỷ lệ trẻ có triệu chứng trở nặng hay tử vong vì Covid-19 rất thấp. Ông dẫn số liệu nghiên cứu ở Mỹ, nước có số lượng ca mắc lớn, cho thấy số trẻ tử vong do Covid-19 bằng 1/7 số ca tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Thực hiện tốt 3K trong 5K nếu cho học sinh đến lớp
PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng Hà Nội nên mở cửa trường học song cần làm tốt 2 điểm – sự đồng thuận từ phụ huynh và hướng dẫn xử lý khi có F0 trong trường.
Theo ông, nếu mở cửa trường học, các trường cần thực hiện tốt việc chăm sóc trẻ, ngành giáo dục, y tế có quy định rõ ràng, tránh “chập choạng”, phụ huynh yên tâm gửi con tới lớp.
“Không có hướng dẫn rõ ràng, khi có F0, trường cho học sinh về, trường khác lại không khiến cha mẹ hoang mang. Nếu lớp có một em mắc Covid-19, tất cả học sinh là F1 phải về nhà, phụ huynh dễ nản. Họ sắp xếp công việc không dễ, nếu đang đi làm, trường lại gọi lên đón con về, mọi thứ trở nên rắc rối, thà để con ở nhà học luôn”, PGS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.
Vì thế, ông đề xuất ngành y tế, giáo dục nghiên cứu để học sinh tiếp xúc gần với F0 tiếp tục ở lại trường, tránh khiến lớp học gián đoạn, nay trực tiếp, mai trực tuyến.
Như vậy, khi xuất hiện ca mắc trong trường học, chỉ F0 về cách ly. Những em F1 được theo dõi tại chỗ, xét nghiệm, nếu cũng mắc Covid-19, các em được tách ra, không cho về nhà ngay vì như vậy rất kém hiệu quả.
Ông Dũng nói thêm trường cũng không cần khử khuẩn ngay lúc đó. Lớp vẫn tổ chức dạy học học bình thường. Đến cuối giờ, trường cho vệ sinh khử khuẩn sau.
Ông dẫn nghiên cứu cho thấy virus chủ yếu lây lan qua đường không khí, tức mọi người ngồi gần, nói chuyện với nhau. Việc lây SARS-CoV-2 do virus bám trên bề mặt vật dụng cũng có song tỷ lệ thấp.
Về việc đảm bảo an toàn, phòng, chống Covid-19 trong trường học, PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế là 3K phải được thực hiện.
Với K thứ nhất, theo ông Dũng, trẻ từ 2 tuổi trở lên chắc chắn phải đeo khẩu trang. Ông cho rằng ở độ tuổi này, trẻ đeo khẩu trang vải không nguy hiểm.
Khi trở lại trường, học cần đeo khẩu trang kể cả trong phòng học, không cần đeo tấm chắn.
“Lỡ mắc Covid-19, trẻ ho, khạc, nói lớn phát tán nhiều virus ra không khí. Việc đeo khẩu trang phòng cho bản thân và giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh nếu mình là F0”, ông Dũng phân tích.
K thứ 2 – khử khuẩn – không chỉ với bàn ghế, các bề mặt mà còn đề cập đến việc vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên. Khai báo y tế cũng quan trọng. Phụ huynh chủ động khai báo khi con có triệu chứng nghi nhiễm nCoV.
Với 2K còn lại, đối với khoảng cách, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng nếu việc giãn cách trong trường không khả thi, học sinh nên giữ khoảng cách tối đa.
Với K – không tụ tập, theo ông Dũng, tụ tập là tự phát. Theo hướng dẫn, người dân không tụ tập ở nơi khó thực hiện 5K. Trong khi ở trường, học sinh học tập trung. Do đó, K này không cần thiết nhắc đến.
Ngoài ra, PGS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo khi cho học sinh đi học trở lại, các lớp cần mở cửa sổ, thoáng khí. Nếu phòng dùng điều hòa hay máy sưởi, lớp vẫn cần mở ít nhất một cửa sổ.
Trước đó, trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền Nhiễm TP.HCM, cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể để trẻ lứa tuổi này đến lớp.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh trẻ vẫn mắc Covid-19 kể cả khi ở nhà, do đó, không thể đổ thừa việc cho trẻ đi học làm tăng nguy cơ, số ca nhiễm SARS-CoV-2.
Từ góc độ chuyên môn, ông cho biết khi dương tính nCoV, trẻ trải qua triệu chứng nhẹ. Thông thường, trẻ có thể sốt cao nhưng tự hết trong vòng 48 tiếng, không nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, trẻ ở nhà học online lâu ngày dẫn đến những hệ lụy mà mọi người đều thấy rõ như thiệt thòi về mặt cảm xúc, bệnh tật về tai, mắt.
Ông đề xuất chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc, việc xử lý gói gọn trong nhóm đó.