Ngày 24/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.362 F0 mới. Trong đó, 55 ca nhập cảnh và 14.307 người trong nước tại 61 tỉnh, thành phố. So với hôm qua, tổng số ca mắc mới giảm 627 F0. Trong đó, số ca nhiễm phát hiện tại cộng đồng là 9.534. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.734 ca/ngày.
Đồ thị số ca mắc mới tại Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn dao động ở mức 14.000-16.000 ca/ngày (chưa tính ca bổ sung).
Hà Nội giảm nhẹ số F0
Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng ca nhiễm mới trong ngày (2.801 ca), giảm 166 ca so với ngày trước đó.
Các ca mắc mới phân bố tại 25/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (113); Đống Đa (110); Đông Anh (98); Hoàng Mai (98); Nam Từ Liêm (91); Thanh Trì (90).
Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 114.578 ca.
Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội; hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao…
Thành phố cũng chủ động thực hiện phương án, kịch bản cấp độ cao; phân công lực lượng, tổ chức diễn tập, ứng trực, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ…
TP.HCM dưới 100 F0
TP.HCM tiếp tục giảm sâu số ca nhiễm mới với 214 F0 trong 22/1, 138 ca ngày 23/1. Ngày 24/1, số ca mới xuống còn 97 người. Đây là số lượng thấp kỷ lục ghi nhận tại thành phố này kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay.
TP.HCM hiện có tổng cộng 92 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, nhiều nhất cả nước, tăng 24 ca so với ngày 23/1. Các địa phương khác cũng phát hiện thêm bệnh nhân là Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1).
Như vậy, Việt Nam ghi nhận 163 ca nhiễm biến chủng Omicron tại 13 tỉnh, thành: Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1).
Trong ngày 24/1, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, xác nhận kết quả giải mã trình tự gene xác định các ca nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM đều liên quan bệnh nhân nhập cảnh từ Mỹ. Ngoài 3 ca mắc Omicron trong cộng đồng được báo cáo trước đó, thành phố có thêm hai ca mắc biến chủng này.
Chia sẻ với Zing, ông Châu nhận định: “Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy ngành y tế xác định được nguồn lây các ca nhiễm biến chủng mới tại cộng đồng là ca nhập cảnh”.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện tất cả F1 và F2 khác do cơ quan này truy vết đều có xét nghiệm âm tính.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo nếu áp dụng nghiêm 5K, đặc biệt là khẩu trang thì chủng Omicron vẫn bị ngăn chặn và không lây nhiễm khi tiếp xúc. Bởi trong số 11 F1 tiếp xúc 4 F0 thì chỉ có 2 người bị lây nhiễm.
“Người dân không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo lắng và tuân thủ nghiêm thông điệp 5K là giải pháp quyết định. Biến chủng mới có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây lan… nhưng nó không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi rửa tay”, TS Châu nói.
Đà Nẵng đứng thứ 2 cả nước với 958 ca trong ngày 24/1, giảm nhẹ so với hôm qua. F0 tại Đà Nẵng trong 7 ngày qua dao động 800-900 ca/ngày.
926/958 ca mắc Covid-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như: Sơn Trà (185 ca), Thanh Khê (181 ca), Hải Châu (153 ca), Cẩm Lệ (136 ca), Liên Chiểu (126 ca), Hòa Vang (101 ca), Ngũ Hành Sơn (44 ca).
Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 7.211 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 3.604 lượt, test nhanh 3.607 lượt người.
Đến nay, thành phố đã tiêm 2.152.433 mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi một cho 980.657 người, mũi 2 cho 961.243 người và mũi 3 cho 210.533 người.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 24/1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 586 bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Đứng thứ nhất trong nhóm các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với ngày trước đó.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 16.816 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 12.113 người điều trị khỏi được ra viện; 21 bệnh nhân tử vong.
Toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.506.808 liều vaccine phòng Covid-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm. Người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi đạt tỷ lệ 97,4%. Trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi một đạt tỷ lệ 99,6%. Trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi đạt tỷ lệ 87,0%; 198.732 người tiêm mũi bổ sung và 61.458 người tiêm mũi nhắc lại.
Bộ Y tế ủng hộ mở lại trường sau Tết, đón khách du lịch
Chiều 24/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp ở một số nước trên thế giới khi chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần so với Delta.
Việt Nam đã có những điều kiện, căn cứ để mở cửa trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới; tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp; các địa phương có kinh nghiệm chống dịch và ý thức của người dân được nâng cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết Nguyên đán) và tăng cường tiếp cận vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
“Bộ Y tế ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết. Tuy nhiên, trong dịp Tết, chúng ta cần cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron”, ông Sơn nói. Sau Tết Nguyên đán, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD&ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường.
Các ý kiến tại cuộc họp nhấn mạnh việc học sinh sớm trở lại trường không ràng buộc với điều kiện tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi mà phải căn cứ vào cấp độ dịch.
Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế được giao chỉ đạo tổ chức diễn tập phương án xử lý khi có ca nhiễm Covid-19 trong trường học, lớp học.
Về lộ trình mở lại hoạt động du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt kiến nghị tiếp tục mở lại hoạt động du lịch theo lộ trình và làm từng bước chắc chắn, tích cực, khẩn trương.
Đồng tình chủ trương này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý có sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh an toàn, nhất là đối với khách du lịch quốc tế.
“Du khách quốc tế ngoài hộ chiếu vaccine cần được xét nghiệm, tại điểm đến, lưu trú đầu tiên nên dừng lại một thời gian, di chuyển theo lộ trình có sẵn”, ông Sơn lưu ý.
Đại diện một số bộ, ngành đề nghị cùng với việc mở lại đường bay thương mại cần tổ chức chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về, thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định như cách ly, xét nghiệm, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người chưa tiêm.
Trước đó, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch triển khai từ tháng 11/2021 tại 5 địa phương và đến tháng 1/2022, du lịch tiếp tục được mở cửa tại 2 địa phương nữa là TP.HCM và Bình Định. Giai đoạn 1, từ cuối tháng 11/2021 cho đến hết ngày 23/1, Việt Nam đón 8.500 khách, trong đó chỉ phát hiện 27 trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong ngày 23/1, 882.832 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 176.429.307 liều. Trong đó, 78.894.694 mũi một, 73.759.720 mũi 2, 23.774.893 mũi 3 (tiêm bổ sung/nhắc và mũi 3 liều cơ bản).