Trao đổi với Zing, đại diện một doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết đã lên kế hoạch ngân sách chi tặng bánh Trung thu cho nhân viên và đối tác như mọi năm. Tuy nhiên, họ dự kiến đến sát ngày mới đặt.
“Đến Trung thu, nếu các biện pháp giãn cách chưa được nới lỏng, chúng tôi sợ việc giao hàng sẽ bị chậm trễ và gặp nhiều phiền phức. Khi đó, công ty sẽ chỉ tặng quà tri ân cho đối tác, còn với nhân viên có thể được quy thành tiền”, vị này chia sẻ.
Sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó
Thực tế, theo đại diện Đại Phát Bakery, nhiều khách hàng lớn của những năm trước nay chỉ mới tìm hiểu thông tin sản phẩm chứ chưa xác nhận đơn hàng cụ thể.
“Họ không biết mua bánh rồi có tặng được không nên ai cũng chờ, nhất là khi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam còn căng thẳng”, vị này nói thêm.
Trong bối cảnh này, một hãng bánh lớn cho rằng mùa Trung thu năm nay chắc chắn không thể mang về doanh số như năm ngoái. Do đó, kế hoạch kinh doanh đã vạch sẵn từ trước, nay phải xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thậm chí, chia sẻ với Zing, đại diện ABC Bakery còn cho biết chưa có kế hoạch kinh doanh cho mùa bánh Trung thu năm nay. Lý do là một số nhân viên phải thực hiện cách ly y tế, các cửa hàng đang tạm thời ngưng hoạt động.
Mặt khác, hệ thống phân phối cũng là một điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp. Với việc tuân thủ giãn cách xã hội, các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa suốt thời gian dài. Những gian hàng đáng lẽ đã được dựng lên từ vài tuần qua cũng chưa xuất hiện.
Thậm chí, với Đại Phát Bakery, các siêu thị đã thông báo sẽ không tổ chức bán bánh trung thu như mọi năm.
Trong khi đó, kênh phân phối được kỳ vọng nhất là thương mại điện tử lại gặp khó về vấn đề giao hàng, buộc các doanh nghiệp thực phẩm phải thu hẹp quy mô sản xuất bánh Trung thu năm nay.
Giảm giá thành, nâng cao trải nghiệm tiêu dùng
Tuy nhiên, một số thương hiệu vẫn hào hứng ra mắt sản phẩm mới. Mondelez Kinh Đô vừa tung ra thị trường gần 80 loại sản phẩm khác nhau, trong đó một số được điều chỉnh hương vị, kích thước và bao bì phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi.
Còn chuỗi cửa hàng hải sản Vua Cua đặt mục tiêu bán khoảng 10.000 bánh trong mùa Trung thu năm nay. Để thích ứng với tình hình hiện tại, đơn vị này không làm bao bì để cắt giảm chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
“Giá niêm yết các loại bánh Trung thu nhân hải sản của chúng tôi thấp hơn các hãng cùng phân khúc khoảng 10-20%. Mới mở bán 2-3 ngày nên chưa bán được nhiều, nhưng phản hồi của khách hàng đều tốt. Do đó, chúng tôi dự định triển khai flash sale đầu mùa, mua 2 tặng 1”, bà Đoàn Thư, CEO Vua Cua cho biết.
Với khách sạn Park Hyatt Saigon, bộ sưu tập bánh Trung thu năm nay có 4 hương vị bánh với 2 phiên bản cao cấp và thượng hạng để khách hàng lựa chọn.
Trong đó, giá bán đều thấp hơn mọi năm dù chất lượng và số lượng bánh, trà không đổi để phù hợp với bối cảnh dịch. Riêng phiên bản thượng hạng được bán với giá thấp hơn 15% năm ngoái.
“Sản phẩm vừa được mở bán nên chưa có nhiều phản hồi, tuy nhiên lượng khách hỏi thông tin vẫn đều từ đầu tháng 7 đến nay cho thấy tín hiệu khả quan dù giữa dịch bệnh”, đại diện Park Hyatt Saigon chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, Mondelez Kinh Đô Việt Nam chú trọng nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Ông Hemant Rupani, tổng giám đốc công ty, cho biết đã mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi. Đồng thời, chiến dịch truyền thông đa phương tiện cũng tận dụng công nghệ AI để thu hút khách hàng.
Đáng chú ý, bên cạnh thị trường trong nước, thương hiệu này cũng xuất khẩu bánh Trung thu sang Mỹ, Singapore và Thái Lan. Riêng với thị trường Mỹ, sản lượng năm nay tăng gấp đôi năm ngoái.
Theo những đơn vị này, Trung thu là dịp lễ truyền thống quan trọng của người Việt, do đó bánh Trung thu được kỳ vọng vẫn là sản phẩm không thể thiếu, dù doanh số có thể không tốt như mọi năm.