Đồ thị số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay vẫn ở mức cao, dao động từ 14.000 đến trên 16.000 F0/ngày (chưa bao gồm ca bổ sung). Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 17/1, Việt Nam ghi nhận thêm 16.378 ca nhiễm, gồm 53 trường hợp nhập cảnh và 16.325 ca tại 62 tỉnh, thành phố.
Hà Nội tiếp tục tăng ca nhiễm
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 17/1, thành phố ghi nhận 2.955 ca mắc mới, trong đó có 675 ca cộng đồng tại 372 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Thanh Trì (125); Đống Đa (120); Đông Anh (117); Hoàng Mai (103).
Khoảng một tháng qua, thành phố này đứng đầu cả nước về số lượng ca nhiễm. Trong 7 ngày qua, Hà Nội có tổng cộng 20.576 ca, trung bình mỗi ngày tăng thêm 2.939 ca nhiễm.
Trong số 10 địa phương có số ca nhiễm trung bình cao nhất tuần, Hà Nội luôn đứng đầu danh sách. Từ ngày 2/1 đến nay, Hà Nội có 16 ngày trên 2.000 ca nhiễm, ngày 14/1 vượt 3.000 ca.
Trong đợt dịch bùng phát lần 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội có tổng cộng 94.325 ca. Tổng số người tử vong do Covid-19 cộng dồn là 351 người.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số mũi vaccine đã tiêm là hơn 13,73 triệu, trong đó có hơn 1,7 triệu người được tiêm mũi 3 (cao thứ 2 cả nước, sau TP.HCM). Theo Bộ Y tế, Hà Nội đang là một trong 39 tỉnh, thành phố bao phủ hai mũi vaccine cho hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Số ca mắc mới và tử vong ở TP.HCM giảm mạnh
Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 17/1, TP.HCM có 204 ca mắc Covid-19. Đây là số lượng thấp kỷ lục ghi nhận tại thành phố này kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Nhiều ngày qua, số ca nhiễm ở thành phố này liên tiếp giảm sâu, từ 402 ca ngày 14/1, 364 ca ngày 15/1, 289 ca ngày 16/1 và 204 ca ngày 17/1.
Trong 7 ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian dài căng mình chống dịch. Các chỉ số dịch tễ bao gồm tỷ lệ F0/100.000 dân/tuần, ca nhập viện, tử vong đã được kéo giảm mạnh so với giai đoạn từ tháng 7 đến cuối tháng 9. Ngày 17/1, số ca tử vong của TP.HCM là 12 người (một ca từ Tiền Giang chuyển đến). Đây là con số thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Y tế TP.HCM có kế hoạch cho tạm ngưng 4 bệnh viện dã chiến. Quyết định này giúp lực lượng y tế có thời gian hồi phục lại sức khỏe, các y bác sĩ được rút về cơ quan.
Tuy nhiên, trong trường hợp đối phó biến chủng Omicron, Sở Y tế TP sẽ kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến trong vòng 24 giờ. TP.HCM hiện là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm biến chủng Omicron nhất cả nước (30/68 ca). Tất cả đều là người nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, được cách ly ngay.
Diễn biến dịch ở các “điểm nóng”
Đà Nẵng tiếp tục tăng nhanh số ca nhiễm mới, vượt kỷ lục so với ngày trước đó. 924 ca trong ngày 17/1 là số lượng F0 mới cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bùng phát ở thành phố này.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng, trong số 924 ca nhiễm có 2 trường hợp đã được cách ly tập trung, 295 ca cách ly tại nhà, 37 ca trong khu phong tỏa và 590 ca chưa cách ly.
Trong số 590 ca chưa cách ly có 335 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 239 ca test nhanh dương tính được trạm y tế các phường, xã lấy mẫu; 2 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, có 10 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Cẩm Lệ, chợ Hưởng Phước; 3 F0 là lực lượng phòng, chống dịch được xét nghiệm định kỳ và một ca là nhân viên Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Ngành y tế thành phố nhận định 829/924 ca mắc trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng.
Tỉnh Hà Nam cũng tăng nhanh số ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện qua sàng lọc y tế. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, đến tối 17/1, tỉnh này phát hiện thêm 98 F0, trong đó có đến 86 ca được phát hiện qua sàng lọc.
Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, số ca nhiễm ở Hà Nam có chiều hướng tăng và dao động ở mức từ 70 đến gần 100. Theo CDC Hà Nam, trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, lực lượng y tế phát hiện 1.550 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Số F0 ở Hưng Yên lần đầu vượt mốc 600 ca trong ngày 17/1. Từ ngày 12/1 đến nay, tỉnh này liên tiếp tăng nhanh ca nhiễm. 17/1 cũng là ngày đầu tiên Hưng Yên xếp thứ 3 cả nước về tổng ca mắc trong 24 giờ (sau Hà Nội, Đà Nẵng).
Theo báo cáo của Sở Y tế Hưng Yên, trong 675 ca nhiễm này, có 275 ca phát hiện bằng phương pháp rRT-PCR và 400 ca phát hiện qua test nhanh kháng nguyên, nhiều nhất ở Tiên Lữ (161 ca), Văn Lâm (149 ca), Yên Mỹ (110 ca). Đáng lưu ý, nhiều ca liên quan ổ dịch tại Chi nhánh Công ty TNHH giày Ngọc Tề (Tiên Lữ). Nhiều ca từ tỉnh có dịch về sàng lọc phát hiện dương tính.
Số ca nhiễm ở Tây Ninh liên tiếp giảm trong khoảng nửa tháng qua. Từ việc duy trì số ca nhiễm liên tiếp ở mức 800-900 ca/ngày trong khoảng 2 tháng, tình hình ở Tây Ninh có nhiều chuyển biến khả quan từ đầu năm 2022. Ngày 17/1, Tây Ninh lần đầu phát hiện hơn 300 ca nhiễm, thấp nhất sau gần 70 ngày qua.
Tín hiệu khả quan ở Sóc Trăng là kể từ 0h ngày 18/1, tỉnh này đã có quyết định hạ cấp độ phòng, chống dịch của toàn tỉnh từ cấp độ 2 (vùng vàng) xuống còn cấp độ 1 (vùng xanh).
Sóc Trăng đã hoàn thành việc tiêm mũi một, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên và đang tiếp tục tiêm mũi 3 cho người dân từ trên 50 tuổi, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhiều ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Sóc Trăng luôn ở mức dưới 100 ca mỗi ngày, trong đó, ngày 17/1 chỉ có 82 ca mắc.
Trong giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch lần 4 (khoảng tháng 7 đến tháng 9/2021), Bình Dương là điểm nóng thứ 2 cả nước (sau TP.HCM) với số ca nhiễm tăng rất cao. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2021, số ca nhiễm ở tỉnh này giảm còn trên dưới 100 ca nhiễm và duy trì mức 2 con số từ đầu năm 2022.
Không chỉ số F0 mới, thống kê trong khoảng 15 ngày qua cho thấy lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Bình Dương cũng liên tục giảm.
Ngày 17/1, Đồng Tháp có 61 ca mắc Covid-19 theo công bố của Bộ Y tế. Đây là con số thấp nhất ghi nhận tại tỉnh này trong gần 80 ngày qua. Tình hình ở tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi số ca mắc mới, ca nhập viện và tử vong giảm.
Tỉnh này đang triển khai “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp tiêm vaccine, ưu tiên người trên 50 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Đến ngày 16/1, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi một là 99,79%, mũi 2 là 94,25%.
Tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam
Trong ngày 16/1, 897.167 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 168.960.116 liều, trong đó tiêm mũi một là 78.618.347 liều, tiêm mũi 2 là 72.437.514 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.904.255 liều.
Theo cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19, có 39/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 21/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80% đến dưới 90%; 3/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,3%) và Sơn La (76,2%).
Về số vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 14.669.647 liều, trong đó, mũi một có 8.108.131 liều; mũi 2 là 6.561.516 liều.
35 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.