Ảm đạm hay trầm buồn là những cụm từ được nhiều người nhắc tới khi bàn về chuyện du lịch Việt năm nay. Đợt dịch thứ 4 kéo dài thay đổi nhiều tới tâm lý người dân và cả túi tiền của họ.
Dù vậy, trong khó khăn vẫn có những điểm sáng để số ít người làm du lịch còn sót lại mong chờ một tương lai tốt hơn. Dưới đây là những dự đoán về du lịch Việt Nam trong năm 2022.
Du lịch chập chờn
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam chọn chủ trương “zero Covid” và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cách ngành du lịch hoạt động.
Mô hình du lịch thời “zero Covid” là chu kỳ lên xuống hình chữ V. Tức là khi có dịch, du lịch sẽ chạm đáy và khi Covid-19 qua đi, du lịch lập tức bùng nổ. Điều này đã tạo ra những làn sóng kích cầu du lịch sôi động từ năm 2020 tới giữa năm 2021.
Tuy nhiên, qua đợt dịch thứ 4, mô hình “zero Covid” đã không còn được áp dụng. Thay vào đó, cuộc sống bình thường mới hiện giờ là sống chung với dịch. Ngay cả các tỉnh thành vẫn còn ca mắc Covid-19, việc du lịch vẫn diễn ra bình thường.
Điều đó dẫn tới một vấn đề: sự chững lại của du lịch sau khi mở cửa trở lại. Thực tế, từ khoảng tháng 10, các tỉnh thành trên cả nước bắt đầu rục rịch đón khách ngoại tỉnh. Cho tới nay, không có “cú nổ” nào xảy ra dù mọi thứ hiện đều rất rẻ.
“Mô hình chữ V không còn đúng nữa. Hiện tại, du lịch Việt Nam đang rất chập chờn, lên xuống thất thường, giống hình zig zag. Đây sẽ là mô hình của du lịch Việt trong năm 2022”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel nhận xét.
Mô hình zig zag theo lời của ông Đạt phản ánh những gì Việt Nam đang trải qua khi chấm dứt chủ trương “zero Covid”. Khách du lịch đi khá lẻ tẻ, không bùng nổ, nhiều người vẫn còn sợ sệt khi nhắc đến từ “du lịch”.
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng đứt gãy nhiều, trải nghiệm du lịch bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều khu, điểm du lịch cũng chưa mở lại vì sợ doanh thu không bù nổi chi phí vận hành.
“Việc bỏ ‘zero Covid’ và thay đổi mô hình chữ V cũng đem lại những tín hiệu tốt. Sau cùng, tâm lý mọi người sẽ quen dần với việc đi du lịch trong tình hình mới này.
Covid-19 có thể không biến mất nhưng chúng ta sẽ coi nó như một loại cúm thông thường. Du lịch có những tín hiệu tích cực để phục hồi nhưng sự bất ổn là khó tránh khi các chủng virus mới vẫn xuất hiện”, ông Đạt chia sẻ quan điểm.
Bài toán cho công ty lữ hành
Du lịch phục hồi thế nào vẫn là bức tranh chưa thể tưởng tượng đầy đủ. Tuy nhiên, tương lai của các công ty lữ hành đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Chia sẻ với Zing, nhiều đơn vị lữ hành nói vị thế của họ đã bị suy giảm từ khi đại dịch xuất hiện. Trong năm 2022, đây sẽ còn là bài toán khó khăn hơn nữa.
Một số vấn đề được các bên đưa ra là sự chủ động của khách để thích ứng với hoàn cảnh mới. Du khách giờ thích tự đặt các dịch vụ online hơn. Sự phụ thuộc vào các công ty đang giảm dần bởi xu hướng “ít chạm” xuất hiện thời dịch.
Sản phẩm tour vốn là chủ lực của các công ty lữ hành được dự đoán khó trụ trong năm tới. Bản thân các công ty cũng đang có những hướng dịch chuyển để gần gũi hơn với du khách hơn, ví dụ các gói combo vé máy bay, khách sạn. Ngoài ra, nhiều bên cũng bắt đầu liên kết với các homestay quanh những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để bắt kịp xu hướng du lịch gần.
Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết xu hướng du lịch của người dân thực sự đã thay đổi – đặc biệt sau đợt dịch thứ 4.
“Nhìn chung, sau hơn một tháng thực hiện bình thường mới, ngành du lịch đã có tín hiệu khởi sắc trở lại. Từ tín hiệu của thị trường xuyên suốt năm 2021, chúng tôi nhận thấy nhu cầu và cách thức du lịch của người dân đã thay đổi đáng kể.
Khách giờ chuộng đi nhóm nhỏ, đi riêng, thời gian du lịch ngắn. Các sản phẩm nghỉ dưỡng được ưu tiên. Thị trường du lịch hiện chỉ còn nội địa, thậm chí nội vùng”, bà Khanh nói.
Từ những sự thay đổi này, các công ty buộc phải chuyển mình để thích ứng với thị trường. Đại diện Vietravel cho biết họ vẫn luôn đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu khách hàng. Do đó, kể cả khi xu hướng du lịch thay đổi nhiều sau đợt dịch, công ty vẫn có thể đáp ứng yêu cầu từ du khách.
Cụ thể, công ty này đã cung ứng dịch vụ vận chuyển thông minh cho doanh nghiệp, triển khai gói dịch vụ kết hợp lưu trú phòng khách sạn + xe/vé máy bay cho nhu cầu du lịch tự túc cá nhân. Ngoài ra còn đưa vào khai thác loại hình tour riêng thiết kế theo nhu cầu bên cạnh các sản phẩm đặc thù khác như Staycation, tour xe tự lái (Caravan), du lịch gia đình bằng xe riêng…
“Trong giai đoạn bình thường mới, công ty cũng linh hoạt đổi mới ở 2 hoạt động chính. Thứ nhất là gia tăng tính an toàn bằng cách áp dụng các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú… Hai là tăng cường tìm kiếm, khảo sát, cho ra đời các bộ sản phẩm mới phù hợp với thị trường”, bà Khanh nói.
Tín hiệu mừng từ đường bay quốc tế
Trong một năm buồn của du lịch Việt, sự trở lại của khách quốc tế có thể xem như những tín hiệu tích cực hiếm hoi cho năm mới.
Sau khoảng 20 tháng “đóng băng” vì đại dịch Covid-19, từ tháng 11, Chính phủ đã cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói thông qua các chuyến bay charter và thương mại tại một số khu vực được chọn.
Tính đến nay, 3 địa phương đã đón khách quốc tế trở lại là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Đà Nẵng cùng Quảng Ninh cũng nằm trong danh sách 5 điểm được chọn nhưng chưa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là vấn đề thời gian khi cả 2 địa phương này đều đang nỗ lực chuẩn bị.
Khó khăn và lo ngại vẫn còn đó nhưng việc các du khách nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn trong năm tới là viễn cảnh đáng kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, mở cửa du lịch là việc làm cấp thiết và không thể trì hoãn thêm. Đón khách quốc tế trở lại sẽ góp phần quan trọng trong việc phục hồi kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.
“Chính phủ có những chương trình phục hồi du lịch. Tuy nhiên, không gì tốt hơn hàng không phải thường lệ, cửa khẩu phải mở”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nói.
Phía Vietravel chia sẻ năm 2022 có thể đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng cao. Để đón đầu sự phục hồi này, công ty đang xúc tiến khai thác phẩm du lịch trải nghiệm dành cho khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam.
Đặc biệt trong dịp World Cup 2022 diễn ra tại Doha/Qatar (UAE) cuối năm nay, họ sẽ mở bán sản phẩm tour du lịch kết hợp xem bóng đá.
Khép lại năm buồn
Chia sẻ với Zing, đại diện Best Price cho biết mình hiểu rõ sự đau buồn của bức tranh du lịch Việt Nam năm 2021 khi công ty kinh doanh ở cả 2 mảng là inbound và du lịch nội địa.
Du lịch Việt Nam những năm trước 2020 luôn tăng trưởng 2 con số, năm 2019 đạt kỷ lục với 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa. Những người làm trong ngành bước vào năm 2020 với nhiều kỳ vọng. Mọi thứ sớm sụp đổ với 3 đợt dịch trong năm 2020.
Số liệu thống kê trong năm 2020 tưởng chừng như chạm đáy: lượng khách quốc tế giảm 80% và mất 50% lượng khách nội địa, thiệt hại ước tính hơn 530.000 tỷ đồng.
Mọi thứ trong năm 2021 còn vượt xa hơn khi Việt Nam trải qua gần 6 tháng giãn cách. Dịp Tết Nguyên đán 2021 đã làm gián đoạn đà phát triển của du lịch. Khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì đợt dịch thứ 4 xuất hiện, khiến cho ngành du lịch gần như chỉ sống cầm hơi.
“Tôi vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi của du lịch Việt. Nhìn từ chính công ty chúng tôi, tới tháng 12, lượt khách đặt cũng đã tăng 40-45% so với đợt trước dịch. Những ngày cuối tuần, tình trạng hết chỗ ở Côn Đảo, Phú Quốc liên tục xảy ra.
Nhà nước cũng đã có những chính sách để hỗ trợ du lịch trở lại, bằng chứng là Nghị quyết 128 và các hoạt động hội thảo, kích cầu du lịch liên tục được tổ chức suốt những tháng cuối năm. Có thể 5 tháng đầu năm sẽ tăng trưởng chậm nhưng từ tháng 6, bức tranh du lịch Việt sẽ tốt đẹp hơn”, ông Tú cho biết.