Holine: 0967441879
Mấy buổi tối dạo gần đây, ông Josh (người Mỹ, ngụ quận 7) lái xe máy đi vòng vòng thành phố. Nhiều người nhìn theo ông, bởi ghế sau xe chở một cây thông tươi nhỏ lấp lánh ánh đèn. Đội thêm nón ông già Noel trên mũ bảo hiểm, ông Josh sẽ tận hưởng không khí Giáng sinh năm nay ở TP.HCM theo cách này.
“Đây có lẽ là dịp Giáng sinh đặc biệt nhất của tôi ở Việt Nam đến giờ, dù nó vẫn khá nhỏ bé so với hồi ở Mỹ”, ông Josh bày tỏ.
Thời điểm hiện tại, việc di chuyển quốc tế có nhiều quy định phòng dịch khiến nhiều người nước ngoài e ngại. Không ít người đã ở lại Việt Nam trong lễ Giáng sinh này, dù họ lỡ dịp về nước thăm gia đình đã 2 năm nay.
Chung vui cùng người bản địa
Ông Josh sống trong ngôi nhà chung với vợ và 7 người Việt trẻ tuổi. Họ đón Giáng sinh bằng các hình thức khác nhau. Còn ông quyết định mang Giáng sinh kiểu Mỹ vào ngôi nhà.
“Hôm nọ tôi nói với vợ rằng cần để một đĩa bánh quy, một ly cà phê, vài củ cà rốt cho ông già Noel và tuần lộc. Cô ấy đã cười phá lên vì truyền thống lạ lùng này, nhưng vẫn đồng ý cùng tôi chuẩn bị chúng”, ông Josh kể.
Năm nay, ông Josh đã mua cây thông tươi cỡ nhỏ trưng trong nhà và đặt những món quà đã gói dưới gốc cây. Ông giải thích với vợ người Việt rằng phải đợi đến ngày Giáng sinh mới được mở chúng. Sự chờ đợi và sự phấn khích khi mở quà là một phần tinh thần của Giáng sinh.
Trong những ngày tháng 12 khi còn sống ở Mỹ, ông Josh luôn đội mũ ông già Noel đi trên đường. Sau khi đến TP.HCM, vì di chuyển bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm, ông đã chế ra chiếc mũ “2 trong 1”.
Ông dùng chai nước 1,5 lít gắn lên mũ bảo hiểm để dựng đứng cái mũ đỏ, đội nó vào Noel vài năm qua. Lần này ông quyết định thêm một cây thông cho chiếc xe của mình, để thêm phần rực rỡ.
Sinh nhật của vợ ông Josh rơi vào đêm trước Giáng sinh. Để kỷ niệm, hai vợ chồng đã thực hiện một chuyến đi Cần Giờ tuần trước. Cô ấy đạp xe và Josh đi xe máy chở cây thông hộ tống đằng sau.
“Trên đường, những nụ cười, cái vẫy tay chào từ mấy trẻ nhỏ khi nhìn thấy tôi đi qua là điều khiến tôi ấm lòng. Trong chuyến du lịch Cần Giờ, nhìn qua gương chiếu hậu, tôi để ý thấy mấy phụ huynh đang chỉ cho con họ xem ‘ông già Noel chở cây thông’. Tôi chào họ và họ sẽ vẫy tay lại. Đó là tinh thần Giáng sinh ở đây”, ông Josh bày tỏ sự mãn nguyện.
“Đi trốn” khỏi phố thị
Chiều 23/12, bà Tracie May Wagner (51 tuổi, ngụ ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) có mặt ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho một kỳ nghỉ Giáng sinh bên gia đình năm nay.
“Trên đường từ sân bay tiến vào trung tâm Đà Lạt, tôi đã nhìn thấy rất nhiều cây thông, cảm nhận được không khí núi rừng mát lạnh, trong lành khá giống bên Mỹ. Bạn biết đấy, TP.HCM không có cảnh này”, bà Wagner hào hứng kể.
Bà Wagner hiện là giám đốc tiếp thị và truyền thông của một trung tâm khám bệnh quốc tế ở TP.HCM. Bà đến thành phố vào tháng 2/2020 và bận rộn tiếp nhận công việc mới, sau đó là những giai đoạn dịch bệnh căng thẳng khiến bà chưa có nhiều dịp đi chơi.
Năm ngoái, bà đón lễ cùng các cháu họ và chú chó nhỏ tại nhà ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức). Vợ chồng em gái bà dự định tranh thủ về Mỹ và trở lại TP.HCM trước Giáng sinh. Tuy nhiên, họ bị kẹt lại quê nhà do không có chuyến bay.
“Đối với người Mỹ, lễ Giáng sinh là dịp để gia đình sum vầy. Chuyến đi này sẽ là thời gian bên nhau đáng nhớ của các thành viên trong thời gian sinh sống ở Việt Nam. Qua ngày thánh lễ, chúng tôi sẽ di chuyển đến TP Nha Trang (Khánh Hòa) để tắm biển và tắm nắng đến hết ngày 27/12”, nữ giám đốc cho biết.
Còn David Lang (35 tuổi, người Anh ngụ quận 7) sẽ ra phía Bắc nơi có thời tiết lạnh mùa này, đi chơi ở Ninh Bình vài ngày trong kỳ nghỉ Giáng sinh.
“Ở đây không có tuyết. Với tôi, nó là thứ chủ đạo tạo nên không khí Giáng sinh. Tôi không hứng thú lắm với những cây thông giả hay những bài nhạc Noel trong quán cà phê”, giáo viên tiếng Anh sống ở TP.HCM 9 năm cho hay.
Nếu ở TP.HCM, anh sẽ đi dự tiệc với bạn bè. Nhưng đây chỉ là “cái cớ” để họ gặp nhau chứ không hẳn để đón lễ, họ sẽ không tặng quà nhau hay làm gì quá đặc biệt như ở châu Âu.
Giáng sinh ý nghĩa
Giáng sinh năm ngoái, ông JP Klovstad (60 tuổi, người Na Uy) đã cùng hai người bạn lái ôtô đến Tây Nguyên để làm thiện nguyện, tặng cặp, sách, bút… cho trẻ em.
Ông Klovstad là hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách nước ngoài từ TP.HCM đến nhiều nơi ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ông có sở thích rong ruổi trên những con đường và gặp gỡ người bản địa.
Năm nay, cũng với chiếc cà vạt đỏ, ông Klovstad lại một mình lái xe jeep đi Nha Trang và đón Giáng sinh ở thành phố biển.
“Hiện tại việc di chuyển đến các địa phương trong nước gặp khó khăn hơn và tôi nghĩ tốt nhất nên sắp xếp lại tài chính của mình. Bây giờ không đủ làm thiện nguyện, vì tôi đã không có thu nhập trong một thời gian dài. Hy vọng tôi có thể làm thay thế vào năm tới”, hướng dẫn viên du lịch 60 tuổi tâm sự.
Đối với Yoko Saito (người Nhật, ngụ quận 4), Giáng sinh 2021 mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên cô đón lễ ở TP.HCM. Hôm 19/12, cô đã tổ chức một hội chợ thiện nguyện, dùng số tiền thu được để mua quà tặng Giáng sinh cho trẻ em thiếu may mắn ở thành phố.
“Tối 24/12, tôi dự tiệc cùng nhóm bạn, cũng chính là những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi ở đây. Và cũng là dịp kỷ niệm tròn 2 năm tôi sống hạnh phúc ở TP.HCM”, cô gái Nhật vui vẻ nói.
Còn ông Josh mong muốn mọi người không chỉ dành thời gian cùng gia đình, bạn bè trong dịp Giáng sinh, mà hãy làm một số công việc từ thiện hoặc giúp đỡ một người nào đó ở địa phương đang gặp khó khăn.
“Mọi năm, vợ chồng tôi thường mua đồ ăn cho những người vô gia cư ngồi trên cầu, mua thêm mấy tờ vé số, thêm chút tiền thưởng cho tài xế giao hàng. Dù chỉ giúp đỡ một chút, có thể mang lại nụ cười trên khuôn mặt của mọi người, là điều tôi thấy ý nghĩa”, ông Josh trải lòng.