Holine: 0967441879
Các bệnh viện TP.HCM than khó thanh quyết toán chi phí điều trị Covid-19 do quy định chồng lấn, còn y tế cơ sở thì thiếu đủ đường; trong đó, nhân sự là khó khăn lớn nhất.
Hơn 4 tháng chiến đấu với đại dịch, ngành y tế TP.HCM nhận ra những “lỗ hổng” trong hệ thống, đặc biệt là y tế cơ sở. Dù dịch bệnh đã qua giai đoạn khốc liệt nhất và nằm trong tầm kiểm soát, các y bác sĩ cho rằng thực tế rất khó để tiên liệu khi nào khó khăn trở lại. Do đó, khoảng nghỉ này là thời gian để hệ thống y tế gấp rút lấp những khoảng trống để sẵn sàng tâm thế ứng phó với dịch bệnh trong “bình thường mới”.
Song song với đó, ngành y tế TP.HCM cũng đang phải giải quyết nhiều “tàn dư” mà làn sóng dịch thứ 4, trong đó có vấn đề thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Nhiều giám đốc bệnh viện cả công lập lẫn tư nhân tại TP.HCM cho rằng rất khó thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 do hai văn bản quy định về vấn đề này của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang có sự chồng lấn.
Cụ thể, công văn 3100 của Bộ Y tế quy định ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh Covid-19; bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh khác. Còn theo công văn 2259 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả phí điều trị bệnh Covid-19, còn bảo hiểm trả phí điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng quy định tại 2 văn bản này “mâu thuẫn” khiến việc thanh quyết toán của cơ sở y tế rất khó khăn, lúng túng. Cụ thể, công văn 3100 yêu cầu bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí khác ngoài Covid-19, nhưng thanh toán khoản “khác” thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Còn công văn 2259 lại quy định bảo hiểm y tế trả phí điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh.
Bà Tuyết cho biết đến nay, có bệnh viện điều trị Covid-19 chưa nhận được một đồng ngân sách nào. Hơn 90% bệnh viện TP.HCM đang tự chủ chi thường xuyên hoàn toàn nên thời gian qua, nguồn thu giảm trầm trọng, thế nhưng nhân viên y tế làm việc gấp 2-3 lần. Nếu không có hỗ trợ từ nguồn ngân sách thì bệnh viện rất khó khăn để duy trì hoạt động.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng 2 văn bản này “chồng lấn” nhau. Ví dụ, theo công văn 2259 thì ngoài phí khám chữa bệnh Covid-19 (Nhà nước trả) và bệnh nền, bệnh phát sinh (bảo hiểm trả) thì khoảng trống còn lại không rõ cơ quan nào thanh toán. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân đều phải điều trị tổng thể, bác sĩ Việt cho rằng rất khó để tách riêng các phần để thanh toán.
Từ thực tế này, bác sĩ Tuyết và bác sĩ Việt cùng kiến nghị việc thanh quyết toán chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 “đưa về một mối”; hoặc quy định cụ thể phần nào ngân sách Nhà nước trả, phần nào bảo hiểm chi để dễ cho bệnh viện.
Quản lý một bệnh viện tư nhân, bác sĩ Mai Văn Điển, Giám đốc Bệnh viện An Sinh, cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, hầu hết bệnh viện tư phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị như máy thở, monitor, hệ thống oxy, xét nghiệm… để hoàn thành nhiệm vụ. Chi phí cao nhưng bệnh viện tư phải tự chi trả, không được đầu tư như bệnh viện công.
Khi nhận 2 văn bản hướng dẫn thanh toán cho bệnh nhân Covid-19, bệnh viện rất “hoang mang” vì nhiều bệnh nhân khiếu kiện. Bác sĩ Điển cho rằng văn bản quá chung chung, không thể thực hiện được. Thêm vào đó, bảng giá ngay từ trước khi có dịch Covid-19 vốn dĩ đã thấp hơn so với mặt bằng bệnh viện tư. Nếu thực hiện theo bảng giá này, bệnh viện không cân đối được và đây trở thành gánh nặng tài chính cho bệnh viện tư.
“Đề nghị Nhà nước có hướng dẫn rõ ràng hơn, cởi trói cho bệnh viện tư để tham gia chống dịch”, ông kiến nghị.
Trong khi việc thanh quyết toán chi phí phòng chống dịch khó khăn, giá viện phí cũng khiến nhiều bệnh viện lâm vào thế khó.
Hiện, theo quy định của Bộ Y tế có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí nhưng mới xây dựng 4/7. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị sớm bổ sung đủ, trong đó cần tính đến công nghệ thông tin như một trong những yếu tố cấu thành giá. Trong quá trình số hóa bệnh viện, các chi phí này rất tốn kém nhưng chưa được cơ cấu vào giá gây khó khăn cho bệnh viện.
Ngoài ra, ông cho rằng yếu tố cấu thành giá thì nên xây dựng định mức thay vì áp giá cố định như hiện nay để phù hợp với thực tế, theo kịp thị trường. Bác sĩ Thức dẫn chứng khi mổ ruột thừa, bệnh viện có thể tính dùng bao nhiêu găng tay, thuốc gây mê, nhân sự… nhưng giá cả của các thành phần này có thể thay đổi, nếu xây dựng giá cố định sẽ “trễ” so với thực tế.
Một trong những giải pháp giúp TP.HCM vượt qua đợt dịch vừa qua là tăng cường nhân sự y tế cơ sở để điều trị cho bệnh nhân ngay từ tuyến thấp nhất, hạn chế tình trạng phải chuyển lên tuyến trên. Do đó, tăng cường y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình được nhiều y bác sĩ nhận định là hướng đi mới của ngành y thời gian tới.
Bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), cho biết trong đợt dịch này, các trạm y tế bộc lộ nhiều điểm yếu trong nhân lực, tài chính và chuyên môn.
Cụ thể, đầu tháng 7/2021, khi dịch bùng phát tại phường, có ngày số ca mắc Covid-19 lên tới hơn 100. Nguồn nhân lực tại trạm lúc này không đáp ứng được yêu cầu truy vết, thăm khám cho người dân. Nếu trạm y tế phường không nhận được sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời thì sẽ rất khó khăn. Bác sĩ Kông bày tỏ lo lắng khi thời gian tới, lực lượng chi viện rút đi và nhận định cần phải tính toán tìm nguồn nhân lực bổ sung.
“Đợt dịch này giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thu hút được nhân lực về công tác tại tuyến y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ nêu thực tế.
Bác sĩ Kông chia sẻ sinh viên mới ra trường thường không chọn về tuyến y tế cơ sở vì nếu công tác vài năm trong bệnh viện, giá trị của nhân viên y tế khác hoàn toàn khi làm tại tuyến cơ sở, ví dụ như kiến thức được nâng cao, kinh tế tốt hơn. Do đó, bác sĩ đề nghị ngành y tế quan tâm cụ thể đến y tế cơ sở như có chính sách đào tạo, nâng cao chế độ lương, phụ cấp…
Có quan điểm tương tự, TS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho biết một trong những điểm yếu của các trạm y tế hiện nay là cán bộ y tế cơ sở vừa thiếu vừa yếu. Theo quy định từ thông tư 08 năm 2007, biên chế trạm y tế là 5-10 người. Ông cho rằng biên chế này chỉ phù hợp với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số 10.000-20.000 người. Trong khi đó, TP.HCM có nhiều phường, xã, thị trấn quy mô tới 100.000 dân.
Ông dẫn chứng theo Niên giám Thống kê Bộ Y tế năm 2017-2018, số cán bộ y tế phường, xã trên 10.000 dân của TP.HCM chỉ đạt 2,3, thấp hơn khoảng 3 lần so với bình quân chung của cả nước là 7,4 và của Hà Nội là 6,1.
Trước thực trạng đó, ông kiến nghị nên tăng định biện cho trạm y tế phường, xã, thị trấn theo quy mô và mật độ dân số, ví dụ 2.000-4.000 dân/biên chế.
Bên cạnh đó, để tăng cường y tế cơ sở, ông cho rằng nên mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà. Bảo hiểm y tế có thể chấp nhận thanh toán chi phí khi nhân viên trạm y tế đến điều trị tại nhà cho bệnh nhân. Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng nên thanh toán chi phí trong thời gian bệnh nhân được cấp cứu từ nhà đến khi nhập viện. Thời gian vàng cho bệnh nhân là cấp cứu tại chỗ và vận chuyển an toàn đến bệnh viện, thế nhưng chi phí này hiện chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.
Ngoài ra, bác sĩ Giang cho rằng bài học từ đợt dịch cho thấy hoạt động của trung tâm y tế gắn chặt với hệ thống chính trị; do đó, nên phân trung tâm y tế cho UBND quận, huyện quản lý thay vì Sở Y tế như hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chia sẻ thực tế hiện các bác sĩ trẻ rất ít đầu quân cho chuyên ngành truyền nhiễm vì có nhiều lựa chọn khác tốt hơn. Thực tế là với cùng trình độ, thu nhập của các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thường thấp hơn chuyên ngành khác nên phát triển nguồn lực gặp nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy khối nhân viên y tế chuyên ngành truyền nhiễm và hồi sức truyền nhiễm quá ít ỏi, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, ông kiến nghị cần cơ chế chính sách ưu đãi, giữ chân thu hút nhân viên y tế để phát triển y tế chuyên sâu.
This will close in 20 seconds