Holine: 0967441879
Theo báo Công Thương, việc Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo đã dấy lên nhiều lo ngại và tranh luận về việc phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng hay không?
Nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng từ 1/6
Trên trang “Trung tâm trợ giúp doanh nghiệp” của Meta – công ty mẹ Facebook vừa thông báo: từ 1/6/2022, các doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân của Facebook, đều sẽ phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi chạy quảng cáo tại Việt Nam.
Chính sách này áp dụng với các khách hàng đặt Việt Nam là quốc gia mục tiêu để chạy quảng cáo.
Cụ thể, Facebook cho biết, từ ngày 1/6, quảng cáo Facebook tại Việt Nam sẽ phải chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT).’
Theo thông báo của Facebook, việc cộng thêm 5% thuế sẽ được áp dụng cho mọi quảng cáo của nền tảng, hướng tới khách hàng tại Việt Nam, không phân biệt nhà quảng cáo doanh nghiệp hoặc cá nhân.
Khi đã đăng ký VAT và cung cấp mã số thuế thì thông tin sẽ hiển thị trên biên lai quảng cáo của khách hàng. Điều này có thể giúp khách hàng được hoàn một phần thuế VAT đã nộp.
Thông báo của Facebook cũng lưu ý công ty không thể tư vấn thêm về các vấn đề thuế cho nhà quảng cáo. “Nếu bạn có câu hỏi về thuế, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với cố vấn thuế hoặc cơ quan thuế địa phương”.
Theo đó, việc thu thuế VAT của Facebook sẽ được áp dụng theo hai cách. Một là thanh toán tự động, khoản thuế 5% sẽ được tính trước khi quảng cáo thực hiện. Do đó, người dùng sẽ phải trả thêm tiền cho một kế hoạch quảng cáo trên nền tảng.
Hai là thanh toán thủ công, khoản VAT được tính dựa trên tỷ giá thực tế, phụ thuộc vào số dư trong tài khoản quảng cáo.
Hiện tại, Facebook đã thu phí chuyển đổi ngoại tệ 1-3% với các giao dịch bằng VND tại Việt Nam.
Vào tháng 4 vừa qua, Meta cũng đã có cuộc gặp và trao đổi với Tổng cục Thuế để làm rõ việc triển khai Thông tư 80 (về cơ chế đăng ký, kê khai và nộp thuế cho các nhà thầu nước ngoài) tại Việt Nam.
Cũng trong một cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc thu thuế bán hàng trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Tiêu biểu, các doanh nghiệp như Facebook là 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ đồng, Microsoft 576 tỷ đồng. Riêng năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020.
Doanh nghiệp được khấu trừ, cá nhân sẽ bị thiệt
Việc Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo từ 1/6 này cũng gặp không ít ý kiến trái chiều. Đa phần đều cho rằng Việt Nam cần tạo một môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh đều phải nộp thuế và có đăng ký rõ ràng.
Nhiều người tiêu dùng cũng có cái nhìn rất tích cực, họ cho rằng thu thêm 5% thuế VAT cũng đồng nghĩa với việc Meta đã và đang công nhận Việt Nam là thị trường lớn, làm ăn lâu dài và minh bạch.
Anh Hoàng Mạnh Đạt – một chủ doanh nghiệp về thời trang đã chạy quảng cáo trên Facebook nhiều năm cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc thu phí này. Nếu các gian hàng lớn nhỏ trên Facebook đều không nộp thuế thu nhập thì chỉ có cách quản lý từ hệ sinh thái của Facebook. Hơn nữa, hiện tại ở Việt Nam cần tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, thực tế phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được khấu trừ thuế VAT cho khoản chi quảng cáo trực tuyến trên Facebook này. Bởi theo quy định, thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo chịu thuế giá trị gia tăng đều được khấu trừ toàn bộ. Chính vì thế, việc thu thêm 5% thuế giá trị gia tăng khi chạy quảng cáo tại Việt Nam sẽ không ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với rất nhiều những cá nhân đang kinh doanh nhỏ lẻ bằng công tác chạy quảng cáo trên Facebook thì đây lại là một bài toán tăng thêm chi phí. Vì họ sẽ không được khấu trừ thuế VAT đầu vào (do không hoạch toán). Cụ thể, chị Phạm Thu Nguyệt – đang chạy quảng cáo trên Facebook bán hàng mỹ phẩm cho biết: “Mỗi tháng tôi đang chạy quảng cáo hết khoảng 40 triệu đồng. Nếu thu thêm 5% thuế VAT đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải chi thêm 2 triệu đồng nữa. 40 triệu hàng/tháng vẫn nộp về công ty mẹ Meta, 5% thu thêm đó lại phải tính vào giá bán sản phẩm. Thực tế sản phẩm bán ra đã phải chịu rất nhiều chi phí, đã có thuế VAT, giờ lại thêm thuế quảng cáo. Như vậy là phí chồng phí, người tiêu dùng cuối là người chịu thiệt nhiều nhất”.
Chính vì thế nên nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã “mách” nhau cách để lách như chạy quảng cáo sang các ứng dụng khác. Chị Nguyễn Thu An (quản lý cao cấp một nhãn hàng đa quốc gia đang phân phối tại Việt Nam) cho biết: thực tế giờ đây khách hàng có xu hướng khi cần mua sản phẩm sẽ vào trực tiếp website, các ứng dụng như Tiki, Lazada, Sendo… thay vì “hỏi” Google. Chính vì sự thay đổi đó, sắp tới sẽ có sự dịch chuyển ngân sách quảng cáo sang các sàn thương mại điện tử. Tiền quảng cáo từ Facebook, Google sẽ chuyển qua Tiki, Lazada… Lúc này sàn thương mại điện tử trở thành các agency (công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo cung cấp dịch vụ tiếp thị cho các công ty khác) và tính phí các nhãn hàng quảng cáo trên website của họ.
Song song đó Tik Tok, Tinder, Instagram cũng là các nền tảng đang đà phát triển. Chị Nguyễn Thu An cho biết, dù không đẩy mạnh quảng cáo Facebook nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng được doanh số. Chị Thu An cũng như nhiều người tiêu dùng cho rằng, có nhiều nền tảng quảng cáo đang phát triển, các doanh nghiệp cần biết để cập nhật và có lối đi cho mình chứ không chỉ ôm khư khư Facebook, Google.
Ở phía ngược lại, những người ủng hộ việc thu thêm 5% thuế VAT còn đề nghị không chỉ dừng lại ở việc thu thêm thuế trên Facebook, thời gian tới các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt nội dung tất cả các ứng dụng quảng cáo khác như Youtube, Tik Tok, Instagram…. Những ứng dụng này quảng cáo quá tràn lan, nội dung thông tin chưa được kiểm duyệt. Nhất là các cá nhân nhỏ lẻ bán sản phẩm trên mạng.
Theo dõi trang Queen Brand để nhận thêm nhiều thông tin mới nhất về Kinh tế & Thị trường trong nước và ngoài nước bạn nhé!
#Thiết_kế_logo
#Thiết_kế_profile
#Thiết_kế_bộ_nhận_diện_thương_hiệu
#Thiết_kế_web
#Dịch_vụ_bảo_hộ_thương_hiệu
#QueenBrand
This will close in 20 seconds