Các ca mắc mới được phát hiện tại TP.HCM (1.739), Bình Dương (657), Đồng Nai (85), Tiền Giang (65), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Bà Rịa – Vũng Tàu (18), Cần Thơ (16), Đắk Lắk (13), Kiên Giang (12), Bình Phước (12), Hậu Giang (9), Long An (8), Hà Giang (6), Phú Yên (5), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1). Trong đó, 393 ca trong cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 65.607 ca mắc Covid-19. Trong đó, 63.510 ca mắc trong nước và 2.097 bệnh nhân nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 61.940, trong đó, 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
11/59 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Trong ngày 20/7, Việt Nam có thêm 26.355 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.336.833. Trong đó, 4.019.161 liều tiêm mũi một, 317.672 liều mũi 2.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tổng số vaccine tích lũy được phân về phía nam sau 12 đợt là 2 triệu liều. Số vaccine do Viện Pasteur quản lý.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca.
Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 nhóm là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).
Thành phố đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu của người tiêm vaccine, hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký. Tuy nhiên, trong số này, thành phố ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao như người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng…