Tối 8/9, UBND TP.HCM chính thức cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6-18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper.
Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với địa phương để được cấp giấy đi đường, đảm bảo lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và test nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.
Sau gần 3 tháng ngưng hoạt động, nhận được thông tin, chị Thu Lan, kinh doanh quán ăn vặt ở quận 6, cho biết rất mừng nhưng chị chưa biết cách triển khai ra sao.
“Chắc đợi xem phường thông báo như thế nào rồi tính tiếp, tôi chờ ngày được mở bán lâu lắm rồi vì ở nhà nhiều cũng buồn chán”, chị nói.
Những cái khó với người kinh doanh
Theo khảo sát của Zing, một số hộ kinh doanh vừa mừng vừa tỏ ra e ngại vì nhiều yêu cầu của thành phố khi cho phép bán mang về.
Anh Long, kinh doanh quán cafe ở phường 11, quận 6 cho biết nghe thông tin anh đã liên hệ nhưng phường chưa trả lời. “Đóng cửa gần 3 tháng nay cũng rất sốt ruột. Tôi chờ thông báo của phường ra sao rồi mới quyết định”, anh nói.
Anh Tuấn, kinh doanh quán cafe ở TP Thủ Đức, nhận định các yêu cầu khắt khe của thành phố cũng vì mục đích đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh như anh rất khó khăn nếu thực hiện đúng các quy định đó.
“Bình thường nhân viên đi làm chủ quán chỉ lo một bữa cơm, nay bắt buộc ‘3 tại chỗ’ nên chi phí ăn uống cho nhân viên cũng tăng gấp 3 lần, chưa kể phí điện nước, chỗ ngủ. Quy định này chỉ phù hợp cho người bán tại nhà”, anh nói.
“Hơn nữa, shipper chỉ được chạy trong nội quận huyện rất ít khách, phí ship cao, còn phải chia phần trăm với các ứng dụng”, anh nói và cho biết đã quyết định đóng cửa thêm đến sau ngày 15/9.
Tương tự, chị Thúy, kinh doanh cơm tấm ở phường 16, quận 8 chia sẻ từ trước đến nay nguồn cung nhập hàng của chị ở mối quen trong chợ nhưng nay chợ đóng cửa, chợ đầu mối cũng chưa cho người mua hàng nhỏ vào nên không biết nhập hàng ở đâu. “Chưa kể tiền xét nghiệm, tiền mua nguyên vật liệu thực phẩm tăng cao, rồi tiền điện nước, mặt bằng… lấy gì lãi”, chị phân tích.
Chủ quán cơm này cho biết chờ tình hình dịch ổn định, tiêm vaccine mũi 2 được 2 tuần mới bắt đầu buôn bán lại. “Bây giờ tình hình dịch vẫn căng thẳng, ngày nào cũng hơn 10.000 ca nhiễm nên mở bán mang đi cũng lo lắm”, chị cho hay.
Nguồn cung nguyên liệu cũng là vấn đề khiến chị Thanh (huyện Bình Chánh) lo ngại. Chị mở quán cơm bình dân hơn 1 năm nay, dịch bệnh quán đóng cửa không có thu nhập.
“Tôi cũng muốn mở bán vì ở nhà mãi cũng lo. Nhưng khổ nỗi giờ mua rau củ, thịt cá ở đâu để chế biến khi chợ đóng cửa? Mấy hôm nay mua đồ ăn cho gia đình từ siêu thị còn khó. Chưa kể giá cả đắt đỏ buôn bán giá cao thì người dân không mua, rồi phí test Covid-19”, chị cho biết.
Người dân lo khan hiếm shipper, giá ship cao
Sau hơn một tuần shipper được hoạt động trở lại, lực lượng giao hàng này vẫn rất khan hiếm. Trong khi đó, nhiều người dân liên tục đặt hàng qua các ứng dụng nhưng đều gặp tình trạng tài xế bận không có người giao. “Tôi đặt hàng thực phẩm trên các app mà mấy ngày nay mà không thể đặt được vì không có tài xế”, anh Tú (quận 8) cho hay.
Do đó, trước thông báo của UBND TP.HCM cho phép mở dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi nhiều người dân lo sức mua sẽ tăng rất mạnh nhưng lực lượng shipper lại khan hiếm, chưa kể giá ship tăng cao.
“Quán chè ở cạnh nhà tôi thì có phải đặt qua Grab để giao?”, chị Nguyên (quận Bình Thạnh) thắc mắc khi đọc yêu cầu quán ăn, uống được mở lại và chỉ được giao qua shipper.
Hơn nữa, chị cho biết hiện nay gọi ship giao hàng rất khó và giá cao. Ship trong ứng dụng từ 40.000 trở lên, còn ship ngoài lên tới 50.000-100.000 đồng. “Mua một tô bún nhưng giá ship còn cao hơn giá sản phẩm nữa”, chị so sánh.
Chị Phương, kinh doanh trà sữa online ở quận Bình Thạnh, cho biết hơn một tuần nay đã bán trà sữa trở lại giao qua shipper. “Bán đồ uống thì không lo về nguyên liệu nhưng lại lo về shipper. Hiện nay gọi shipper rất khó, chưa kể mỗi đơn hàng đều từ 40.000-70.000 đồng tiền ship trong quận nên nhiều người e dè”, chị nói và cho biết người bán cũng mất từ 20-30% chiết khấu cho ứng dụng.
Trao đổi với Zing, đại diện Ahamove cũng mong muốn có thể được tăng thêm số lượng shipper được phép hoạt động. Đây là vấn đề liên quan lớn đến cân bằng cung cầu.
Nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, số lượng shipper được cấp phép vẫn còn hạn chế dẫn đến chênh lệch cung cầu, ảnh hưởng tới giá ship. Nếu số shipper nhiều hơn, giá ship sẽ giảm xuống.
Đại diện ứng dụng giao hàng Ahamove.
“Hiện nay nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, số lượng shipper được cấp phép còn hạn chế dẫn đến chênh lệch cung cầu, ảnh hưởng tới giá ship. Nếu số shipper nhiều hơn, giá ship sẽ giảm xuống”, đại diện này cho hay.
Đồng thời, Ahamove đề xuất tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm lên 3-5 ngày. “Việc giấy xét nghiệm chỉ có hạn sử dụng 1 ngày khiến cho giảm số lượng shipper có thể hoạt động, do họ lo ngại xét nghiệm quá đông dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh, xét nghiệm liên tục hàng ngày gây đau mũi và bất tiện cho hoạt động của họ”, đại diện này nói.
Bên cạnh đó, đại diện ứng dụng này cho biết shipper chỉ được chạy nội quận, huyện giới hạn khả năng nhận đơn của tài xế và khó khăn cho khách hàng khi đặt đơn.
“Trước giãn cách, khoảng 70% đơn hàng chủ yếu là nhu cầu giao hàng liên quận. Nếu chỉ chạy nội quận thì có khả năng chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng tài xế ngồi chơi nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý”, đại diện Ahamove chia sẻ.
Tính đến ngày 5/9, TP.HCM có khoảng 10.000 shipper nhận đơn hàng. Theo nhiều tài xế, khó khăn trong việc xét nghiệm vào sáng sớm, nhận giấy xác nhận xét nghiệm cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh, sợ bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết đã khiến họ không mặn mà bật app chạy.