Holine: 0967441879
Vật thể treo lơ lửng có phần lạ lùng và giống như những chiếc mạng nhện trong hình là món đồ chơi dành cho trẻ em có tên Geemo – sáng tạo bởi nhà thiết kế đồ chơi người Mỹ Cas Holman.
Nếu chỉ thoạt nhìn mà không biết trước mục đích của nó, có thể bạn sẽ cảm thấy khó hiểu và không đoán được đây là sản phẩm gì, làm ra để làm gì.
Geemo là một trong những thiết kế cho thấy đồ chơi của trẻ em có khả năng chứa đựng rất nhiều sự sáng tạo, trí tưởng tượng,… của người thiết kế cũng như những công dụng đặc biệt, chứ không đơn thuần chỉ là những món đồ chơi được sản xuất hàng loạt.
Cas Holman (sinh năm 1974), là một nhà thiết kế đồ chơi người Mỹ và nhà sáng lập của Heroes Will Rise – công ty độc lập chuyên về thiết kế đồ chơi dành cho trẻ em theo xu hướng sáng tạo, đề cao trí trưởng tượng của trẻ em và lấy đó làm trung tâm, không phân biệt giới tính (thông thường đồ chơi trẻ em có sự phân định giới tính như búp bê dành cho các bé gái, siêu nhân dành cho các bé trai) và không đặt nặng tính cấu trúc.
Hai trong số những thiết kế nổi tiếng nhất của Cas Holman là Geemo và Rigamajig. Được thiết kế khi cô đang theo đuổi bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại Cranbrook, Geemo được trưng bày lần đầu tiên tại Cửa hàng Thiết kế của Bảo tàng MoMa (Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại) tại New York. Thoạt nhìn, Geemo không giống với bất cứ mẫu đồ chơi nào từng xuất hiện trên thị trường: màu chủ đạo là trắng, với một chút xanh dương ở phần đầu nối của các khớp; lủng lẳng treo trên cao. Geemo gồm các thanh ba đầu, phần giữa không kết nối được, một chuỗi các phần và các mảnh khác nhau từ các nhánh, các đầu nam châm hút nhau ngẫu nhiên không có hướng dẫn. Cas được truyền cảm hứng trong quá trình xem xét rất nhiều mẫu hoạ tiết trong tự nhiên, đặc biệt là tuỷ xương.
Bất quy tắc là như vậy, nhưng Geemo lại chính là đồ chơi có khả năng khơi dậy sự sáng tạo ở trẻ mà những đồ chơi thông thường không làm được. Màu sắc siêu đơn giản, không có cấu trúc, không có khuôn mặt như của gấu bông, búp bê hay siêu nhân, trẻ có thể tuỳ ý lắp ghép, ráp nối, sắp đặt Geemo theo ý thích và trí tưởng tượng của mình mà không cần phải tuân theo bất cứ hướng dẫn nào.
Rigamajig tiếp tục là một sáng tạo của Cas được các nhà trường hưởng ứng và rất nhiều trẻ em yêu thích. Đây là một bộ dụng cụ bằng gỗ với nhiều bộ phận tách rời, theo Cas mô tả là ‘một đống mảnh vụn xây dựng hay ho’. Từ các tấm ván, đai ốc, bu-lông, móc, ròng rọc,… Rigamajig được thiết kế để không chỉ phù hợp với bàn tay trẻ mà còn kích thích sự sáng tạo và tưởng tượng. Tự do lắp đặt, tự do tháo gỡ, và cũng vì thế, tự do xây dựng nên những mô hình của riêng mình: một chiếc xe, một giá nâng đỡ, một con vật,… Quá trình làm quen, cảm nhận những mảnh ghép, tự đặt câu hỏi cho bản thân, cho nhóm bạn chơi chung và hiện thực hoá trí tưởng tượng của mình – là quá trình mà những đồ chơi đại chúng khó có thể làm được, khi mà ngay từ trước giai đoạn sản xuất, người lớn đã quy định về cách chơi, cách lắp ghép dành cho trẻ.
Để có cái nhìn sâu hơn về cách thiết kế của Cas Holman, bạn có thể xem tập phim về cô trong series “Abstract: The Art of Design” của Netflix.
Hầu hết người lớn có xu hướng nghĩ trẻ em là những cá thể rất đơn giản, chỉ cần được đáp ứng các yêu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, vui chơi như chúng bạn là sẽ hạnh phúc và phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, trẻ em cũng là những cá thể phức tạp, độc đáo và riêng biệt không kém gì người lớn. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt. Cách trẻ nhìn nhận, đón tiếp thông tin vốn đã khác đáng kể so với người lớn. Trí tưởng tượng của trẻ cũng như vậy, những món đồ chơi sản xuất hàng loạt ban đầu có thể khiến trẻ hứng thú và bận rộn trong vòng vài giờ đồng hồ, vài ngày, vài tháng. Vậy nhưng, chúng hoàn toàn có khả năng bị bỏ xó khi trẻ cảm thấy không còn gì mới mẻ để khám phá. Khi bạn bè xung quanh đều sở hữu và chơi cùng những món đồ chơi ấy, trẻ vẫn có thể tụ họp và phát huy trí tưởng tượng với nhau, nhưng sự ‘nhanh chán’ là điều không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, là trẻ em không đồng nghĩa hoàn toàn với sự vô tư, đơn giản. Trẻ chưa có cơ chế đối mặt và giải quyết các loại hình cảm xúc khác nhau như người lớn. Nhiều trẻ phải đối diện với chấn thương tâm lý do sự bạo hành tuổi thơ ấu hay các căn bệnh như tự kỷ, trầm cảm. Trong khi đó, đồ chơi là một trong những vật dụng có khả năng kết nối sâu sắc với trẻ, trở thành một người bạn đồng hành giúp trẻ giao tiếp, thể hiện cảm xúc, cảm thấy được thấu hiểu và lắng nghe để mở lòng hơn với mọi người xung quanh. Vì vậy, các món đồ chơi được thiết kế dành riêng cho các em không đơn giản chỉ là đồ chơi mà còn là một phần của ‘trị liệu bằng giờ chơi’ (play therapy). Đây là một phương thức được áp dụng chủ yếu với trẻ em, khi mà bác sĩ trị liệu sử dụng giờ vui chơi để quan sát và thấu hiểu hành vi của trẻ, qua đó giúp trẻ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, học cách đối mặt với tổn thương, tạo dựng cơ chế đối phó lành mạnh và hình thành sự phản ứng đối với các cảm xúc, hành vi tiêu cực.
Alma dolls là bộ gồm 06 búp bê được thiết kế dành cho trẻ phải đối diện với những chấn thương tâm lý, được thiết kế bởi Yaara Nusboim người Israeli. Nhận thấy mảng đồ chơi dành riêng cho trị liệu vẫn chưa được chú trọng, cô đã làm việc cùng bảy nhà tâm lý học trẻ em và tiếp xúc với nhiều bé trong giai đoạn thử nghiệm. Mỗi búp bê trong bộ Alma Dolls đại diện cho từng cảm xúc: sợ hãi, đau đớn, trống rỗng, yêu thương, giận dữ, an toàn.
Bộ sưu tập The Taktil – thiết kế của Paula Lorence – bao gồm 12 vật thể với 08 chất liệu khác nhau, dành cho đối tượng trẻ mắc bệnh tự kỉ. Mỗi vật thể lại có hình dáng, chất liệu khác nhau với mục đích đem đến cho trẻ các cảm nhận xúc giác riêng biệt, xoa dịu sự nhạy cảm, sự lo âu, hay các cơn hoảng loạn và tăng cường khả năng tập trung.
Hai bộ sưu tập trên là hai minh chứng cho thấy thị trường đồ chơi cho trẻ em không chỉ và không nên dừng lại ở những món đồ đại chúng. Các mẫu gấu bông, búp bê, siêu nhân, lắp ráp toà nhà, bộ dụng cụ theo nghề nghiệp,… có làm trẻ em hứng thú hay không? Câu trả lời là có. Đó vẫn là những mẫu đồ chơi chứa đựng sự thú vị của riêng chúng. Vậy nhưng đồ chơi có thể phát huy hơn nữa trí tưởng tượng, sáng tạo và kết nối sâu sắc với trẻ em không? Chắc chắn là có! Sự phức tạp được nói đến ở đây không phải làm cho đồ chơi khó chơi, khó tiếp cận mà các thiết kế đồ chơi cần đa dạng hơn, nhiều góc nhìn hơn, phản ánh được những mảng màu sắc khác nhau trong thế giới nội tâm của trẻ.
Với nhận định “Chúng ta đã quên mất cách chơi’’ và cũng chính chúng ta là người “… không cho trẻ sự tự do để chơi đùa” mà Cas Holman thể hiện trong bài phỏng vấn với tạp chí Dezeen, cô cũng thể hiện mong muốn: “Tôi muốn đồ chơi mình thiết kế kết nối với những người lập dị, là công cụ để trẻ cảm thấy chúng được thấu hiểu.” (trong bài phỏng vấn với Surface).
Sở hữu thế giới tưởng tượng phong phú, đầy màu sắc, cùng sự phức tạp nhất định trong cảm xúc, mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng biệt. Đồ chơi không chỉ là một cách để trẻ vui chơi, thư giãn mà còn là một công cụ hữu hiệu để giúp trẻ khai phá tiềm năng, hình thành sự tự tin, và phát triển trí tưởng tượng ngay cả khi trưởng thành. Những thiết kế đồ chơi mới, những cách thức chơi mới làm cho giờ chơi thêm thú vị, tạo dựng cầu nối tinh thần với trẻ, nói ngôn ngữ của trẻ và bộc lộ sự sáng tạo mà chính người lớn có lúc phải bất ngờ.
Tại thị trường Việt Nam, những món đồ chơi sáng tạo đã có những bước tiến nhất định. Trẻ đã có nhiều lựa chọn hơn để vui chơi và thể hiện bản thân. Tuy đồ chơi có sẵn nguyên tắc và hướng dẫn vẫn chiếm đa số, bạn vẫn có thể tạo cho trẻ một không gian chơi tự do và sáng tạo. Bắt đầu từ việc không ép buộc phân định giới tính lên đồ chơi: bé trai cũng có thể chơi bộ nấu ăn, bé gái cũng có thể chơi siêu nhân, ô tô,… hay để trẻ tự do vẽ vời, sáng tạo với màu vẽ, giấy thủ công,…
Và biết đâu, không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng cần những giờ chơi hoàn toàn tự do, thoải mái, không ràng buộc, không quy tắc để tìm kiếm cảm hứng, và “tưới tắm” cho tâm hồn thêm xanh tươi?
Bạn cũng cần chơi và được chơi, vì bên trong chúng ta có một đứa trẻ luôn tồn tại.
Bài viết tham khảo thông tin từ Dezeen.com & Surface
Viết bài: Su.dden
This will close in 20 seconds