Ngày 16/2, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng nhanh và liên tục vượt mức của 24 giờ trước đó (tăng gần 3.000 ca). Song song với đà tăng của cả nước, Hà Nội cùng hàng loạt tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc đang dẫn đầu về số người nhiễm SARS-CoV-2.
Trước Tết Nguyên đán, các chuyên gia y tế cũng đã dự báo trước xu hướng này khi mức độ giao lưu, đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, số người tử vong do Covid-19 thời gian này vẫn ở ngưỡng thấp (dưới 100 người/ngày) phần nào cho thấy nguy cơ trong thời điểm này không quá lớn.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số ca mắc mới
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 16/2, địa phương này vừa ghi nhận thêm 3.888 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Hà Nội đã có tổng cộng 183.105 ca mắc Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 đến nay.
Trong thời gian qua, địa phương này luôn dẫn đầu cả nước về số người nhiễm nCoV. Hà Nội cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 15/2, cho thấy Hà Nội có 603 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.377 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 639 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 7,1% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 554 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 20 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 41 ca thở máy xâm lấn, một bệnh nhân được lọc máu và 3 trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 11/2, thành phố không ghi nhận phường, xã, thị trấn nào có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) trong vòng một tuần qua. So với trước đó, 9 phường, xã đã kiểm soát dịch từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng).
Đại diện Sở Y tế Hà Nội vừa qua cũng đã nhận định thành phố có thể ghi nhận số ca mắc tăng trong thời gian này, sau Tết Nguyên đán. Công tác chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong nằm trong tầm kiểm soát.
Thời gian tới, việc thành phố mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như vận tải, du lịch, giao thương quốc tế,… có thể dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.
Các tỉnh phía Bắc gia tăng ca nhiễm
Theo thống kê của Bộ Y tế trong ngày 16/2, 10/11 địa phương có số ca mắc Covid-19 trên 1.000 trường hợp đều thuộc miền Bắc (trừ Nghệ An). Đáng chú ý, Thái Nguyên xếp ngay sau Hà Nội với 2.497 ca. Đây cũng là lần đầu tiên số ca mắc trong ngày của địa phương này vượt mức 2.000 người.
Thái Nguyên cũng là địa phương ghi nhận mức tăng cao nhất về số người dương tính so với ngày trước đó (tăng hơn 1.200 ca so với ngày 15/2).
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, các xã, phường, thị trấn thuộc Thái Nguyên vừa qua đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ, điều trị Covid-19 tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, điều trị người nhiễm nCoV.
Mới đây, lãnh đạo UBND Thái Nguyên yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, đặc biệt phải thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế (thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn..); khuyến khích người dân tự test nhanh để kịp thời cách ly, điều trị,…
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu trang bị đầy đủ tấm chắn giọt bắn, quản lý danh sách khách hàng, sử dụng quét mã QR và sổ theo dõi thông tin khách hàng,…
Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các phòng chức năng cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine, bảo đảm tất cả người từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện đều được tiêm liều cơ bản, người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3. Đồng thời, việc quản lý, hỗ trợ, điều trị F0, cách ly F1 tại nhà, nơi cư trú phải thực hiện nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở kinh doanh dịch vụ không đáp ứng yêu cầu, các quán bar, quán karaoke đang lén lút hoạt động.
Hải Dương trong ngày 16/2 đứng thứ 3 cả nước với 1.598 ca mắc Covid-19. Thời gian qua, địa phương này cũng thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu về số người nhiễm nCoV cùng nhiều ngày ghi nhận hơn 1.500 trường hợp dương tính.
Theo Báo Hải Dương, ngày 16/2, Sở Y tế đã quyết định biệt phái 8 cán bộ gồm 4 bác sĩ, 3 điều dưỡng và một kỹ thuật viên gây mê hồi sức đến thực hiện công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Phổi Hải Dương.
Những ngày qua, lượng bệnh nhân cấp cứu nặng tại Bệnh viện Phổi Hải Dương tăng nhanh. Tính đến ngày 16/2, bệnh viện này đang điều trị tại khu cách ly đặc biệt 25 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Trong số này, 7 người ở tình trạng rất nặng phải thở máy xâm lấn.
Do lượng bệnh nhân diễn biến nặng đông, phải chăm sóc toàn diện, bệnh viện bị quá tải. Bệnh viện đã bố trí 4 kíp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, mỗi kíp làm nhiệm vụ 6 tiếng/ngày.
Quảng Ninh cũng là địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây. Theo Báo Quảng Ninh, số ca tăng mạnh ở các đô thị, địa bàn đông dân cư như Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái,…
Mặc dù đã được dự báo trước, việc số F0 tăng mạnh sau đợt nghỉ Tết cũng là điều đáng quan tâm, lo ngại. Nếu không được kiểm soát, khống chế hiệu quả, tỉnh sẽ rất dễ phát sinh các ổ dịch, đợt dịch mới.
Do vậy, điều cần quan tâm và cảnh giác cao độ hiện nay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nâng cao hơn ý thức tự giác của người dân và trách nhiệm từ các cấp, ngành, đơn vị.
Theo kế hoạch, thời gian sắp tới, một số địa phương, trong đó có những đô thị lớn như TP Hạ Long sẽ cho phép hoạt động trở lại toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, vũ trường,… Đặc biệt, học sinh các cấp từ ngày 14/2 cũng đã quay trở lại trường để học trực tiếp. Như vậy, các nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ rất cao.
Mới đây, UBND TP Hải Phòng đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn sau Tết có chiều hướng tăng, người dân có tình trạng lơ là, chủ quan, khi bị dương tính nhưng không khai báo, tự mua thuốc điều trị nên bệnh càng nặng hoặc tử vong; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương có phần lơi lỏng.
Trước hình hình trên, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ban, ngành tích cực tăng cường phối hợp, truyền truyền, nhất là không để người dân tự mua thuốc điều trị tại nhà, ảnh hưởng kết quả điều trị bệnh khi có diễn biến nặng.
Ngoài ra, trước tình hình số ca mắc tăng nhanh, Hải Phòng thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng, thí điểm tại các quận, huyện gồm: Lê Chân, An Dương, Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận, huyện 5-7 tổ, mỗi tổ 5-6 người, chủ lực là lực lượng thanh niên để hỗ trợ trạm y tế lưu động và những người bị dương tính.
Trong khoảng nửa tháng nay, TP Hải Phòng liên tiếp là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước.
Cân nhắc giảm thời gian cách ly với F1 là học sinh
Sáng 16/2, Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%.
Thứ trưởng đánh giá ở trẻ em, tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trẻ em được xã hội rất quan tâm, nhất là khi trường học đã mở cửa trở lại, các em quay lại nhịp sinh hoạt, giao lưu, học tập bình thường. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.
Thứ trưởng dự đoán với việc các địa phương đồng loạt cho học sinh trở lại trường, số trẻ em mắc Covid-19 có thể tăng, nhất là những trẻ chưa được tiêm vaccine. Do đó, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở trường học là rất quan trọng. Các bộ ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để đảm bảo công tác phòng dịch.
Sau hội nghị này, PGS Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành giáo dục tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trường xử trí tình huống xảy ra khi học sinh trở lại học tập trung, không để bị động, lúng túng, bất ngờ; phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn để xử lý, chăm sóc học sinh F0, F1.
Trong khi đó, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), chia sẻ thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Bên cạnh các hướng dẫn khi ghi nhận ca mắc Covid-19 tại trường học, ông Nam cho biết về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT.
“Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa”, TS Dương Chí Nam nói thêm.