Châu Á đã bị bỏ lại so với châu Âu và Bắc Mỹ trong quá trình khôi phục di chuyển quốc tế. Nhưng hiện nay, nhờ tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng cùng sức ép khôi phục kinh tế, hàng loạt quốc gia đã mở lại các đường bay thương mại quốc tế, thắp lên hy vọng sớm hồi sinh ngành hàng không và du lịch, theo Nikkei Asia.
Singapore đi đầu mở cửa
Từ 19/10, Singapore bắt đầu cho phép du khách đã chủng ngừa đầy đủ từ Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha nhập cảnh bất kể mục đích mà không cần cách ly bắt buộc, theo chương trình khôi phục đi lại quốc tế có tên “Đường bay tiêm chủng đặc biệt”. Trước đó, Singapore cũng đã mở lại đường bay với Đức và Brunei.
Những hành khách đầu tiên từ châu Âu khởi hành từ Amsterdam trong ngày 19/10 và đặt chân tới sân bay Changi trong ngày 20/10. Với Mỹ, các đường bay được khôi phục kết nối Singapore với New York, Los Angeles, San Francisco và Seattle.
Cơ quan quản lý hàng không Singapore cho hay khoảng 2.400 du khách nước ngoài đã được cấp phép nhập cảnh đặc biệt ngay trong ngày 12/10, ngày đầu tiên Singapore tiếp nhận hồ sơ đăng ký.
Theo kế hoạch, nếu tính cả công dân và thường trú nhân không cần xin cấp phép nhập cảnh đặc biệt, Singapore dự kiến đón khoảng 3.000 người đến từ nước ngoài mỗi ngày.
“Chương trình ‘Đường bay tiêm chủng đặc biệt’ có thể không lập tức tăng mạnh lưu thông đường không, đặc biệt so với trước đại dịch, nhưng đây là tín hiệu Singapore sẽ duy trì mở cửa hoạt động kinh doanh và mong muốn mở lại biên giới quốc tế”, Simin Ngai, chuyên gia tổ chức tư vấn Cirium, nói.
Quyết định của chính phủ Singapore tạo ra hy vọng nối lại giao lưu hàng không khu vực và quốc tế, cũng như khôi phục vai trò trung tâm lưu thông đường không quốc tế của sân bay Changi.
Nối lại giao thông hàng không cũng cho phép các doanh nhân di chuyển qua lại Singapore, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 80%, và là nơi nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở khu vực.
Đây cũng có thể là bước ngoặt cho toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng nền kinh tế cũng đồng thời phụ thuộc nặng nề vào du lịch.
Dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy lượng người đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tháng 7 giảm 94% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, mức giảm của châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt là 58% và 61%, cho thấy giao thông hàng không tại châu Á đang hồi phục chậm hơn hai khu vực nói trên.
Nhiều nước Đông Nam Á theo chân Singapore
Tuần trước, Philippines thông báo dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, áp dụng với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đến từ Trung Quốc, New Zealand và hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp.
“Khi nhập cảnh, du khách không cần cách ly tập trung, tuy nhiên họ nên tự theo dõi các triệu chứng trong vòng 14 ngày”, người phát ngôn tổng thống Philippines Harry Roque cho biết.
Tuy được miễn cách ly, du khách vẫn cần có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi cất cánh.
Với người chưa tiêm chủng, mới chỉ tiêm một mũi vaccine, hoặc không có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, họ sẽ phải cách ly tại cơ sở do chính phủ Philippines bố trí cho tới khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đã chính thức khởi động kế hoạch khôi phục di chuyển hàng không quốc tế.
Trong giai đoạn một, Thái Lan dỡ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh với người đến từ Mỹ, Anh, Singapore, Đức và Trung Quốc kể từ tháng 11, Thủ tướng Prayuth Chanocha thông báo hôm 11/10. Danh sách trên sẽ tiếp tục được mở rộng từ tháng 12.
“Đã đến lúc chúng ta sẵn sàng đối mặt với virus corona và chung sống với nó như các căn bệnh khác, những căn bệnh đã tìm ra vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị”, Thủ tướng Prayuth nói.
Đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt nỗ lực nhằm hồi sinh ngành du lịch của Thái Lan. Trước đó, quốc gia Đông Nam Á đã khởi động chương trình hộp cát du lịch, tạo điều kiện để du khách quốc tế tới một số địa điểm lịch nổi tiếng mà không cần cách ly như Phuket.
Trong khi đó, Indonesia mở cửa đảo du lịch Bali với du khách nước ngoài kể từ 14/10 sau hơn một năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết các chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài đến Bali được nối lại với điều kiện đáp ứng yêu cầu về cách ly. Người nhập cảnh phải có giấy tờ chứng minh đặt phòng khách sạn để cách ly trong 8 ngày.
“Chúng tôi sẽ chấp nhận người đến từ một số quốc gia trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, UAE, hay New Zealand”, ông Pandjaitan cho biết.