Holine: 0967441879
Theo các chuyên gia, cách ly F0 không xuất hiện dấu hiệu bệnh và triệu chứng nhẹ là tất yếu trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, gây quá tải hệ thống điều trị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến sáng 6/7, trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP.HCM có tổng cộng 6.905 bệnh nhân Covid-19 – địa phương có số lượng ca mắc mới cao nhất cả nước.
Đặc biệt, dịch diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều chùm ca bệnh bùng phát cùng lúc trong cộng đồng dân cư.
Hàng loạt tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Nam bộ cũng đang đối mặt nguy cơ dịch lan rộng. Các địa phương đang gấp rút xây dựng hệ thống y tế để cách ly F1, điều trị F0 song song truy vết, xét nghiệm để dập dịch.
Trong tình thế số lượng ca nhiễm, F1 ngày càng tăng, Bộ Y tế đã ra hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà. Biện pháp cách ly, theo dõi, điều trị F0 không triệu chứng, biểu hiện nhẹ tại nhà cũng được các chuyên gia đặt ra.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), là một trong những chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam nêu ý kiến về vấn đề này.
Chuyên gia này cho biết theo các thống kê hiện tại của Việt Nam, khoảng 84% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tất cả đều được chuyển đến bệnh viện để cách ly dù họ hầu như không cần chăm sóc y tế. Điều này tạo áp lực khá lớn cho nhân viên y tế cũng như hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực cho bệnh viện dã chiến, khu điều trị.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1, nơi được Sở Y tế TP.HCM thành lập để tiếp nhận, cách ly 1.000 F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Điều này gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế và tốn kém nguồn lực không cần thiết. Người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh rất nhẹ thường không cần can thiệp y tế mà chỉ cần theo dõi diễn biến sức khỏe. F0 không nhất định điều trị tại bệnh viện mà có thể cân nhắc tự cách ly tại nhà. Thay vào đó, hệ thống y tế cần tập trung F0 triệu chứng nặng, F0 có nguy cơ chuyển nặng cao”, PGS Nhung cho biết.
Phân tích lý do có thể cân nhắc điều này, một chuyên gia dịch tễ cho rằng việc điều trị ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Việt Nam hiện tại cần huy động khá nhiều nhân lực, vật lực.
Trong đó, giường bệnh, phòng bệnh cần được thiết kế riêng, đạt chuẩn về cách ly. Nhân viên y tế chăm sóc người dương tính cũng phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, thiết bị bảo hộ. Ngoài ra, cơ sở y tế điều trị F0 phải hỗ trợ về suất ăn uống, vận chuyển nhu yếu phẩm từ gia đình người bệnh.
“Trong khi đó, nhân viên y tế hầu như không can thiệp đến người bệnh trong công tác chuyên môn, việc thường làm nhất là đo nhiệt độ và huyết áp”, chuyên gia này nói thêm.
Mô hình điều trị 3 tầng tại TP.HCM. Trong đó, tầng 1 với 5.000 giường được dành để cách ly F0 bệnh nhẹ và không triệu chứng. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Đồng quan điểm của PGS Nhung, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, cho rằng việc thí điểm cách ly, điều trị và theo dõi F0 tại nhà là điều tất yếu được đặt ra khi số lượng F0 tăng lên rất nhiều trong cộng đồng.
“Khi chúng ta bước vào giai đoạn F0 gây quá tải cho hệ thống y tế, việc thí điểm cách ly F0 tại nhà là tất yếu”, bác sĩ Hoàng nói.
Nói về phương án cách ly F0 tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: “Điều này là tất yếu và sẽ phải cân nhắc đến trong thời gian tới”. Theo chuyên gia này, các điều kiện về cách ly F1 và F0 tại nhà cần được quy định rõ.
Thứ nhất, người dương tính với SARS-CoV-2 có sức khỏe tốt, không mắc bệnh nền nguy hiểm. Đặc biệt, gia đình F0 không có người cao tuổi, người có nguy cơ cao chuyển biến nặng khi mắc bệnh.
Thứ 2, người bệnh có hiểu biết về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm virus và đồng ý ký cam kết nghiêm túc thực hiện cách ly, tuyệt đối không ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình vi phạm, để xảy ra lây nhiễm chéo.
Thứ 3, điều kiện cách ly tại nhà đảm bảo, phải có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Về nguyên tắc, không gian ngủ nghỉ, ăn uống, vệ sinh của F0 phải đảm bảo an toàn cho người trong nhà.
Một F0 có triệu chứng chuyển nặng được chuyển từ bệnh viện dã chiến đến bệnh viện điều trị Covid-19 để theo dõi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thứ 4, người bệnh phải có phương tiện giám sát để đảm bảo an toàn cộng đồng và có lực lượng hỗ trợ theo dõi sức khỏe, giám sát hàng ngày. Hiện tại, cơ quan giám sát có thể dùng camera lắp đặt tại phòng cách ly, cho F0 đeo vòng tay giám sát bằng công nghệ. Giá thành của thiết bị này hiện nay khá rẻ.
Thứ 5, tạo điều kiện dễ dàng nhất cho người dương tính khi thực hiện xét nghiệm định kỳ, hạn chế việc không cần thiết cho nhân viên y tế địa phương. Người dương tính được hướng dẫn cách tự test nhanh định kỳ. Cuối đợt, nhân viên y tế sẽ quét lại bằng rRT-PCR.
Thứ 6, rác thải sinh hoạt, rác y tế của người dương tính có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, cần có biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt của người cách ly an toàn.
Thứ 7, bệnh Covid-19 có diễn biến nhanh. Do đó, khi có biểu hiện bệnh nặng bất thường như huyết áp, nhịp tim, khó thở…, F0 cần nhanh chóng thông báo cho cán bộ y tế. Ngoài ra, vấn đề bố trí xe cấp cứu vận chuyển F0 đến cơ sở điều trị cần được xây dựng sẵn sàng.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho rằng phương án cách ly F0 tại nhà ở Việt Nam chỉ nên là giải pháp cuối cùng. Theo ông, khi tình hình Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng xảy ra hai tình huống, việc điều trị F0 tại nhà sẽ được cân nhắc.
Thứ nhất là khi hệ thống y tế không còn đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân trong các khu cách ly. Thứ 2 là tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng lên rất cao, giãn cách xã hội không còn đạt được hiệu quả trong việc khoanh vùng, dập dịch thì F0 có thể được cách ly, theo dõi tại nhà.
Nhân viên y tế ở TP.HCM thu dọn phòng, giường và chuẩn bị vật dụng cần thiết cho người cách ly. Ảnh: Chí Hùng. |
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho rằng phương án điều trị F0 tại nhà cần được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo không xảy ra lây nhiễm trong gia đình và cân nhắc ý thức người dương tính cùng điều kiện cách ly.
“F0 là trường hợp đã nhiễm virus SARS-CoV-2 nên nguy cơ lây nhiễm cao. Chưa kể lý do bệnh có thể chuyển biến rất nhanh từ không triệu chứng sang suy hô hấp. Nếu không theo dõi kỹ có thể dẫn đến việc can thiệp y tế chậm”, ông cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nêu quan điểm về cách ly F0 tại nhà, một bác sĩ điều trị Covid-19 tại TP.HCM không đồng ý với phương án này. “Ít nhất là trong giai đoạn hiện tại, TP.HCM vẫn đủ khả năng điều trị F0. Tốt nhất là không nên vì khi F1 cách ly tại nhà thì đủ chỗ cho F0 cách ly tuyệt đối”, bác sĩ này nói.
Theo nhận định của chuyên gia này, người Việt thường có tính cộng đồng cao trong sinh hoạt nên rất khó tự cách ly tuyệt đối. Ngoài ra, F0 chắc chắn có khả năng lây nhiễm cho người khác dù có triệu chứng hay không. Vì vậy, việc cách ly tại nhà không có sự giám sát của nhân viên y tế, khả năng lây rất cao nếu không có kiến thức về phòng tránh lây nhiễm.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cũng cho rằng việc làm này sẽ mang đến nguy cơ rất lớn. Theo ông, khi để các F0 điều trị tại nhà, với ý thức người dân chưa được đảm bảo, chúng ta khó có thể kiểm soát tốt dịch bệnh.
This will close in 20 seconds